Các chuyên gia cho rằng, nên bổ sung mục đích điều tiết nguồn thu từ đất bao gồm cả việc dùng nguồn thu để phục vụ công tác thu hồi đất, tái định cư… Theo các chuyên gia, các khoản thu tài chính từ đất đai tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thực sự đầy đủ nên không thể sử dụng hết nguồn lực từ đất.
Một vấn đề khác được người dân quan tâm là việc điều tiết nguồn thu từ đất vào đâu cho hợp lý? Theo Điều 148 về điều tiết nguồn thu từ đất là quy định hoàn toàn mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định: Trung ương sẽ điều tiết nguồn thu tài chính từ đất đai để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ chi của các địa phương.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc phân bổ ưu tiên cho nhiệm vụ “đảm bảo an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…”, là chưa hợp lý.
PGS.TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng Khoa Tài chính – Ngân hàng, (Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM), đánh giá, các khoản thu tài chính từ đất đai tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thực sự đầy đủ, chẳng hạn như thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Chưa kể, theo ông Phong, các khoản thu tài chính từ đất đai (Điều 147) đang được ghi chép rất lộn xộn, không khoa học, logic.
“Cần làm rõ khi sử dụng đất kết hợp, đất hỗn hợp thì thực hiện theo chế độ giao đất hay cho thuê đất, từ đó xác định khoản thu tài chính từ đất đai của loại đất này là thu tiền sử dụng đất hay thu tiền thuê đất, hay là cả 2”, ông Phong đặt vấn đề.
PGS.TS Nguyễn Anh Phong cho rằng, nguồn thu này cần đảm bảo chi cho việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và kinh tế – xã hội của đất nước.
Phần còn lại của khoản thu ngân sách nhà nước từ đất đai mới sử dụng cho các mục tiêu khác đề cập tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 148 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm Nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành về ngân sách Trung ương để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ, phục hồi đất bị thoái hóa, ô nhiễm.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương quy định việc sử dụng một phần nguồn thu từ đất để hỗ trợ các cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và cho người có đất bị thu hồi.
PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc, Phó Trưởng Khoa Thẩm định giá – Kinh doanh bất động sản (Trường ĐH Tài chính – Marketing), cũng đề xuất, việc điều tiết nguồn thu từ đất, nên bổ sung mục đích điều tiết nguồn thu từ đất bao gồm cả việc dùng nguồn thu để phục vụ công tác thu hồi đất, tái định cư…
ThS. Tô Thị Đông Hà, Trưởng Bộ môn Luật, Khoa Kinh tế – Luật (Trường Đại học Tài chính – Marketing), cũng kiến nghị, cần bổ sung đầy đủ các khoản thu này, không dừng lại ở 2 loại thuế như trong dự thảo.
“Cần có cụm từ mở để bao quát nhiều loại thuế hiện hành và những loại thuế Nhà nước có thể sẽ ban hành, chẳng hạn cụm từ “những nguồn thu khác theo quy định pháp luật” hoặc “những luật thuế khác” để “tuổi thọ” của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lâu dài. Nếu không khi có quy định mới, sắc lệnh thuế mới mà áp dụng để thu tài chính từ đất đai thì lại phải sử đổi Luật Đất đai”, bà Hà kiến nghị.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới trong việc quy định về quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài trong chính sách, pháp luật đất đai hiện hành được cộng đồng kiều bào đồng tình như việc từ chỗ kiều bào chỉ được mua một nhà ở hoặc một căn hộ chung cư, thì nay không còn bị hạn chế số lượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Ngoài ra, Dự thảo đã tháo gỡ quy định về quyền sử dụng đất ở khi cho phép kiều bào có quyền sử dụng đất mà chưa có công trình nhà ở bên trên và đưa vào dự thảo Luật, cụ thể ở Điều 30 và Điều 47. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn điểm vướng mắc, cụ thể là hạn chế người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở, tức là các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền, để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Nói cách khác, Dự thảo Luật hiện không có quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất nằm ngoài những dự án xây dựng nhà ở. Điều này không chỉ hạn chế quyền phát triển nhà ở mà còn ảnh hưởng đến quyền chia, tặng bất động sản hoặc thừa kế đất ở chưa có công trình nhà ở bên ngoài dự án phát triển nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Chị Nguyễn Hạo Nhiên (hiện đang định cư tại Australia) cho biết, chị sang Australia học đại học từ năm 2008 và sau đó lập gia đình, nhập quốc tịch. Gần đây, bố mẹ chị ngỏ ý muốn tặng một mảnh đất của gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh cho vợ chồng chị để làm chỗ ở khi chị muốn chuyển về Việt Nam sinh sống lâu dài. Tuy nhiên, do Luật Đất đai hiện hành quy định người Việt Nam ở nước ngoài không thể tiến hành thủ tục cũng như nhận quyền thừa kế nên gia đình chị đành tạm gác lại ý định này.
Chị Nguyễn Hạo Nhiên cũng đã thử tìm kiếm đất để xây dựng nhà ở nhưng hiện luật chỉ cho phép kiều bào có quốc tịch Việt Nam được mua nhà ở các khu đô thị mới, các khu dân cư, các căn hộ, mà số lượng dự án, khu đô thị mới tại TP Hồ Chí Minh hiện nay lại có hạn, đôi khi giá quá cao, không phù hợp với túi tiền hoặc địa điểm không thuận tiện, không đáp ứng mong muốn được ở gần người thân của chị.
Chị Nguyễn Thùy An (hiện đang định cư tại Mỹ) là người Mỹ gốc Việt, hiện không có quốc tịch Việt Nam, theo luật thì chị vẫn được quyền mua bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi chuẩn bị thủ tục mua đất thì chị không tìm được các giấy tờ để chứng minh bản thân có gốc là người Việt Nam; nếu làm thủ tục xin xác nhận lại thì mất rất nhiều thời gian nên chị đã nhờ em trai đứng tên để mua giúp. Đến nay khi chị muốn bán miếng đất thì em trai lại từ chối và có ý định chiếm giữ tài sản khiến chị phải về Việt Nam để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, rất phức tạp.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh Công ty CBRE Việt Nam nhận định, nhu cầu sở hữu nhà ở, đất ở của kiều bào và người nước ngoài tại Việt Nam là rất lớn, có thể lên tới hàng triệu căn nhà. Nếu thủ tục, điều kiện mua bán nhanh chóng thì cơ hội dành cho loại hình bất động sản nhà ở cao cấp hiện đang trong tình trạng tồn kho là rất lớn, tạo ra những lực đẩy lớn cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng kiều bào, người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam theo thống kê lại không cao vì quy định hạn chế chỉ mua nhà trong dự án, số lượng cũng chỉ 30% tổng sản phẩm của dự án đó. Ngoài ra, các sản phẩm dự án mà Việt kiều, người nước ngoài có thể tiếp cận hiện nay đều ở phân khúc cao cấp, hiếm có nguồn cung ở những dự án với mức giá vừa tâm, không có nhiều sự lựa chọn. Nhiều dự án của chủ đầu tư Việt Nam chỉ chú trọng phục vụ người mua nhà trong nước nên cũng khó phù hợp với tiêu chuẩn của kiều bào, người nước ngoài.
Tổng Hợp
(Dân Việt, TGTT)