Với những tín hiệu tích cực trên, giới đầu tư bất động sản kỳ vọng thanh khoản sẽ sớm phục hồi so với giai đoạn cuối năm 2022. Nhu cầu nhà ở thực thúc đẩy lực cầu của thị trường…
“Tôi tích cóp đủ số tiền cần chuẩn bị rồi nhưng vẫn cần thêm các đòn bẩy tài chính. Gửi hồ sơ vay vốn từ cuối năm ngoái, nhưng không tiếp cận được dòng tiền vì ngân hàng không còn room tín dụng. Nay thì mọi chuyện đều đã được giải quyết, tôi sẽ là cư dân mới của phía Đông thành phố vào cuối năm nay”, chị Mỹ Lệ (quận 5, TPHCM) chia sẻ sau khi vừa được ngân hàng “kích hoạt” khoản vay sau một thời gian dài phải trì hoãn.
Theo anh Thanh Tùng – chuyên viên môi giới một đại lý bất động sản – thời gian qua, các giao dịch nhà ở đã có dấu hiệu, chủ yếu được thực hiện bởi những người có nhu cầu ở thực và sẵn dòng tiền. Việc ngân hàng “nới” chính sách tín dụng đang giúp lực cầu tăng trưởng, từ đó tạo cú hích cho cả thị trường.
“Người mua nhà tới đây sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi dòng vốn cho vay dồi dào hơn, lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của một giai đoạn khó khăn kéo dài, tâm lý thận trọng vẫn còn tồn tại, người mua nhà cũng sẽ đưa ra khá nhiều tiêu chuẩn khắt khe trong việc chọn dự án. Về mặt tổng thể, phía Đông TPHCM đang là khu vực đắt khách”, anh Tùng phân tích.
Phía Đông TPHCM sôi động bởi là nơi tập trung hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm lớn nhất của cả nước, tạo liên kết cho “tam giác vàng” TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu hay rộng hơn là cả vùng Đông Nam bộ. Đáng chú ý là dự án mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây lên 8 làn xe, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết và tới đây sẽ có thêm tuyến Vành đai 3. Ngay trong năm nay, 2 dự án giao thông quan trọng khác là cầu Vàm Cái Sứt và dự án Hương lộ 2 giai đoạn 1 dự kiến sẽ về đích…
Sức hấp dẫn của khu Đông còn gia tăng bởi sự tập trung hạ tầng xã hội, đáp ứng các nhu cầu về giáo dục, y tế, văn hóa của người dân. Trong đó, điểm nhấn là mạng lưới các cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học với mật độ tập trung cao nhất thành phố, điển hình là Đại học Quốc gia TPHCM (gồm 7 đại học thành viên), Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Nông lâm, Đại học Văn hóa, Đại học Việt Đức, Đại học Fulbright…
Các đại đô thị phía Đông TPHCM thường được ưu tiên trong danh sách tìm kiếm của các khách hàng có nhu cầu ở thực còn bởi sự vượt trội về cảnh quan, môi trường sống. Nhờ ưu thế quỹ đất rộng lớn, các chủ đầu tư có điều kiện thực hiện các quy hoạch đồng bộ, tạo nên những “thành phố trong thành phố”.
Ngày 16/2, Agribank thông báo lãi suất cho vay có thể được điều chỉnh giảm tối đa 3%/năm so với mức đang áp dụng. VietinBank cũng công bố dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023… Danh sách các ngân hàng “hạ nhiệt” lãi suất đang tiếp tục dài thêm
.Hàng loạt giải pháp tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai trong vài tháng qua. Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành mới đây cũng tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải tính toán để khơi thông dòng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Cùng với đó, cũng phải kể tới dòng tiền dồi dào từ lượng kiều hối được chuyển về trong nước từ trước Tết. Cụ thể, năm ngoái, kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5%. Khoảng 25% số tiền này được đổ vào thị trường bất động sản, giúp lượng giao dịch tăng mạnh trong thời gian qua.
Triển vọng thị trường hồi phục còn đến từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Việt Nam đã được hơn 200 đại diện cấp cao của các công ty đầu tư hàng đầu bình chọn là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất, nhì trong nhóm các thị trường mới nổi. Đồng thời, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 Nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất trên thế giới. Trong đó, bất động sản là một trong những “thỏi nam châm” hút dòng tiền lớn nhất, với khoảng 4,45 tỷ USD vào năm ngoái.
Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản mùa Xuân lần III và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2022 – 2023 do Tạp chí Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức sáng 10/3, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, không ai nghĩ rằng tình hình thị trường bất động sản bất ổn như hiện tại. “Chúng tôi gọi là một năm “họa vô đơn chí” đối với thế giới và Việt Nam”, ông Lực nhấn mạnh.
3 làn gió ngược, bao gồm “suy thoái toàn cầu”, “Trung Quốc đóng cửa”, “thị trường tài chính toàn cầu bất ổn” đặt thách thức không chỉ cho thị trường địa ốc mà cả thách thức với tăng trưởng nền kinh tế của năm 2023. Tăng trưởng năm nay dự báo dưới 6%. Để đạt được mục tiêu này, vai trò của thị trường bất động sản rất lớn. Do đó, nếu không có giải pháp cho những cơn gió ngược này, chúng ta sẽ đánh mất khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Trong đó, chúng ta phải giải quyết bài toán nguồn vốn, là nút thắt rất lớn trong năm qua và năm nay vẫn còn những rủi ro nhất định.
S. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc tháo gỡ cơ chế pháp lý là cách giải quyết trọng tâm vào thời điểm này. Tuy nhiên, cần phải đi sâu hơn vào những giải pháp cụ thể. Từ việc cụ thể hóa quy định rõ đối tượng tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng hướng tới nhà ở xã hội – giá rẻ – bình dân, hay những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn, tới việc gỡ khó về việc triển khai dự án mới, nhất là phân khúc nhà ở xã hội.
Hiện nay, Chính phủ đang vận động nhiều doanh nghiệp đăng ký, nhưng Hiệp hội đánh giá vẫn còn nhiều rào cản vướng mắc trong các quy định, đặc biệt là các quy định pháp luật. Để thúc đẩy được loại hình này, rất cần những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ, nhất là về thủ tục hành chính pháp lý.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán, Dân Trí)