Cho dù đã có thêm nhiều thông điệp từ cơ quan quản lý nhà nước được đưa ra tại các cuộc họp gần đây trong việc điều tiết và giảm thiểu rủi ro lan rộng trên thị trường vào thời điểm này. Khoảng 14 triệu tỷ đồng “nằm” trong ngân hàng tìm cách khơi dòng tiền tiết kiệm chảy vào thị trường bất động sản…
Một thực tế qua ghi nhận ý kiến của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thời gian gần đây cho biết, họ cảm thấy “loãng” khi quá nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản được đưa ra, nhưng vẫn chưa chính thức được cụ thể hóa ở một văn bản nào, điều này vô hình trung tạo ra sự mơ hồ về khả năng sớm phục hồi của thị trường.
Không phải ngẫu nhiên trong kiến nghị tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland, Vingroup… cùng đề cập tới việc thay vì “đánh đồng” như hiện nay, cơ quản lý cần có giải pháp “khoanh vùng” để gỡ nút thắt về vốn cho những dự án được quy hoạch bài bản, pháp lý đầy đủ để tăng nguồn cung cho thị trường.
Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 14 triệu tỷ đồng được gửi trong hệ thống ngân hàng, trong đó khoảng 6 triệu tỷ đồng tới từ các khách hàng cá nhân, còn lại là của các tổ chức kinh tế (thống kê của Ngân hàng Nhà nước tháng 11/2022), cho thấy không phải nhà đầu tư không có khả năng tài chính, mà là chưa muốn xuống tiền mà thôi. Nếu khơi thông được dòng tiền này thì sẽ rất tích cực với các kênh đầu tư, mà toàn bộ nền kinh tế.
Tại dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững mới đây, Chính phủ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo phương thức tái cấp vốn (tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016). Trong đó, một nửa cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi (tương đương 55.000 tỷ đồng), nửa còn lại dành cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối (bao gồm Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank) và các ngân hàng này đã thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng cho vay phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn từ 1,5 2%/năm lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
“Không nhiều người dám mua bất động sản khi chưa xác định được đáy thị trường là đâu, nhưng cứ kéo dài như vậy thị trường sẽ càng loạn”, lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lớn tại phía Bắc bày tỏ, đồng thời chia sẻ thêm, “sống sót” và “yên bình” là điều nhiều doanh nghiệp bất động sản mong muốn lúc này, song có quá nhiều yếu tố bất định bủa vây, cho dù đã có thêm nhiều thông điệp từ cơ quan quản lý nhà nước được đưa ra tại các cuộc họp gần đây trong việc điều tiết và giảm thiểu rủi ro lan rộng trên thị trường vào thời điểm này.
Thực tế, không chỉ vị lãnh đạo trên, mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đều chia sẻ rằng, tìm điểm cân bằng trong điều hành doanh nghiệp để vừa phù hợp và dung hòa được với các chính sách, vừa ứng phó được với các biến số như lạm phát, lãi suất, tỷ giá… là không dễ dàng.
Doanh nghiệp tốt cũng không thể huy động vốn qua trái phiếu hay ngân hàng, mà khi doanh nghiệp thiếu vốn sẽ khó triển khai sản xuất – kinh doanh, từ đó dễ dẫn tới một loạt hệ lụy khác như phá sản, người lao động thất nghiệp, Nhà nước thất thu thuế… và khi đó, gánh nặng kinh tế – xã hội sẽ đè nặng hơn.
Nhìn lại câu chuyện vực dậy thị trường bất động sản Mỹ cách đây gần 15 năm sau giai đoạn khủng hoảng trầm trọng bởi tình trạng cho vay dưới chuẩn, bên cạnh tung các gói kích thích quy mô lớn, chính phủ nước này rất mạnh tay trong việc minh bạch các gói cứu trợ. Theo đó, các dự án nằm trong diện được hỗ trợ đều được công khai và mọi người dân đều có thể theo dõi tiền ngân sách được giải ngân ra sao, qua những kênh nào… thông qua website của chính quyền, trong đó liệt kê chi tiết các khoản chi cho các dự án ở từng bang cũng như quy mô liên bang, giúp tạo niềm tin của người dân vào chính phủ và điều này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phục hồi thị trường bất động sản, kích thích nền kinh tế.
Tính đến quý I/2023, thị trường BĐS vẫn trong quá trình tái cấu trúc. Việc một số ngân hàng có thực hiện nới room tín dụng nhưng tỷ lệ nới room không lớn khiến cho khả năng dòng vốn tín dụng “chảy” vào thị trường này khó đạt mức kỳ vọng, khả năng xoay vòng vốn của doanh nghiệp BĐS cũng gặp khó khăn. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư, khách hàng trong tâm lý chờ đợi khả năng hạ giá sâu tại các dự án BĐS để lựa chọn sản phẩm tốt với giá “hời”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, thị trường sẽ khó chạm đáy giai đoạn sớm. Chưa kể đến, việc “vàng thau lẫn lộn” ở thời điểm này có thể khiến khách hàng rơi vào thế khó nếu không tỉnh táo lựa chọn. Việc chọn sản phẩm BĐS để sở hữu ngay trong quý I và quý II/2023 sẽ là lợi thế, khách mua sẽ nhận về nhiều ưu đãi hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, năm 2023, các cơn sốt đất có thể quay trở lại trong quý II, quý III hoặc ở giai đoạn cuối năm. Bởi khi đó, những khó khăn có thể được tháo gỡ, thị trường phục hồi trở lại, lãi suất giảm, các kênh huy động vốn được khơi thông. Do đó, nếu muốn mua nhà đất với giá “dễ chịu” hơn, người mua có thể xuống tiền vào thời điểm hiện nay.
Tổng Hợp
(Vietnamnet, Đầu Tư Chứng Khoán)