Lãi suất tiền gửi huy động cao không cho vay được thì sẽ không thu được lợi nhuận, nên cần hạ nhiệt lãi suất.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động, kể từ đầu tháng 2, lãi suất huy động một loạt ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt. Mức lãi suất huy động 10% không còn xuất hiện trên thị trường. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất là 9,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng trở lại.
“Hiện nay, lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng vẫn còn đang niêm yết trên 9%/năm. Một vài ngân hàng lớn đã giảm lãi suất tại kỳ hạn này xuống khoảng 7%/năm. Song, khó để giảm lãi suất một cách thực sự mạnh mẽ với sức ép từ bên ngoài, nền kinh tế và cả lạm phát. Khi PMI tăng trở lại, nhu cầu vốn lớn hơn, lãi suất cũng không thể giảm sốc được. Nhìn chung, nhiệm vụ của Việt Nam hiện nay là phải tìm mọi cách để giảm lãi suất bởi nếu lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần chờ xem áp lực về lạm phát, giá nhiên liệu sẽ ra sao do năm 2023 là một năm bất định, tính bất định còn cao hơn năm 2022” – ông Phan Lê Thành Long – CEO AFA Group – cho biết.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc OCB – cho biết: “Lãi suất sẽ giảm nhanh trong một vài tuần tới. Tôi kỳ vọng không chỉ giảm 0,5% mà lãi suất huy động có thể giảm 1 – 2% trong thời gian rất nhanh, trong một vài tuần tới một tháng. Hiện nay, lãi suất có vẻ ưu đãi doanh nghiệp nhiều hơn vì lãi suất cho vay còn giảm nhanh hơn lãi suất huy động”.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, lạm phát ở mức tương đối thấp, tình hình thanh khoản cũng đã được cải thiện. Do đó, việc hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay trở thành một trong những đòi hỏi bắt buộc. Việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động để có thể giảm lãi suất cho, từ đó hỗ trợ giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Ông Phan Lê Thành Long cho rằng, áp lực về tỉ giá năm 2023 sẽ không quá lớn, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước đưa ra các chính sách tiền tệ linh hoạt trong việc điều hành tỉ giá và lãi suất. Với điều kiện tỉ giá tốt hơn, áp lực liên quan đến lãi suất sẽ không còn. Khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành là không có, đây sẽ là một điểm tích cực của thị trường trong năm nay.
“Về cơ bản, từ nay đến tháng 4.2023, lãi suất cho vay dự báo sẽ tiếp tục hạ khoảng 1,5-2%” – TS Đinh Trọng Thịnh dự báo.
Tại một cuộc họp mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các hệ thống các ngân hàng giảm lãi suất huy động từ ngày 6/3. Ngay ngày 6/3, đồng loạt nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi với mức giảm từ 0,2-0,5%/năm.
Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, lãi suất sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường cao nhất chỉ ở mức 7,4%/năm. Khi gửi online, hoặc với khách hàng ưu tiên, lãi suất có thể được cộng thêm nhưng cũng chỉ ở mức khoảng 8%/năm.
Với nhóm NHTM cổ phần, tại Sacombank, lãi suất tiền gửi đã được điều chỉnh giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ, mức lãi suất cao nhất tại quầy đã điều chỉnh xuống còn 8,4%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm xuống còn 7,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm.
Hay như tại VPBank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 8,8%/năm, giảm 0,5 điểm %. Tương tự lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 8,4%/năm.
Một số NHTM cổ phần lãi suất vẫn ở mức trên 9-9,5% như BaoVietBank, Kienlongbank, NamABank, PVCombank, SCB, VietABank, DongABank, BacABank.
Hồi tháng 12/2022, tại một cuộc họp do Hiệp hội ngân hàng tổ chức, Hiệp hội này cũng yêu cầu các ngân hàng cam kết không tăng lãi suất huy động quá 9,5%/năm ở các kỳ hạn. Những cam kết này đã được lan tỏa, giúp xu hướng giảm lãi suất rộng hơn.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu hiện nay gặp khó khăn nhất là lãi suất đi vay. Lãi suất cao đã đẩy giá thành lên mặt bằng giá mới, hơn nữa sẽ giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu vào các nước.
Tuy nhiên, khi mặt bằng lãi suất huy động giảm, ít nhiều đã có tác động đến lãi suất cho vay. Theo thông báo lãi suất huy động của các NHTM, mặt bằng lãi suất tháng 2/2023 đã ổn định và thực tế lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm; đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân.
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Theo chuyên gia của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam, mặc dù lãi suất huy động đã giảm ít nhiều, nhưng lãi suất cho vay sẽ có độ trễ nhất định vì phụ thuộc vào cung cầu vốn. Điều nữa là sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của các NHTM khi thấy rủi ro tín dụng cao, có thể họ yêu cầu NIM chênh lệch huy động cao để có dư địa, sau đó trích lập dự phòng.
Thực tế, các khoản vay cũ sẽ vẫn phải chịu mức lãi suất đã thực hiện, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vay trung và dài hạn sẽ bị tác động mạnh hơn. Chỉ các khoản vay mới ngay lập tức được hưởng mức lãi suất cho vay hạ nhiệt.
Để giảm lãi suất cho vay trở thành xu hướng và trên diện rộng, vị chuyên gia của Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, ngành ngân hàng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để kéo mặt bằng lãi suất cho vay về quanh khoảng 10%/năm mới hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn tác động cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Nhận định về vốn tín dụng trong thời gian tới, chuyên gia này đánh giá, mức điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa giữa các NHTM. Trong đó, mức giảm mạnh có thể diễn ra nhiều ở những NHTM lớn vì room tín dụng nhiều và chi phí huy động vốn đầu vào thấp hơn. Còn các NHTM nhỏ – vốn đã huy động tiền gửi với mức lãi suất quanh 10%/năm cho các kỳ hạn dài thời gian qua cần có độ trễ trong vài tháng tới nếu muốn giảm mạnh lãi suất.
Tổng Hợp
(Lao Động, Nhịp Sống Thị Trường)