Gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được 134 tỷ đồng. Ngay cả khi Nghị định sửa đổi được ban hành, gói hỗ trợ này cũng sẽ “ế” khoảng 37.520 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng ban hành năm 2022 (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15) được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hết sức trông chờ. Tuy nhiên, đến nay, kết quả giải ngân được rất thấp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt hơn 134 tỷ đồng, tương đương 0,3% tổng nguồn lực.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ngày cả trường hợp sửa đổi Nghị định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự kiến chỉ có thể giải ngân được 2.345 tỷ đồng trong năm 2023.
Do đó, còn khoảng 37.520 tỷ đồng nguồn lực của Chương trình bố trí cho chính sách hỗ trợ 2% lãi suất có khả năng không thực hiện hết, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc gói hỗ trợ lãi suất 2% “ế” trong khi doanh nghiệp đói vốn cho thấy, thiết kế chính sách của gói hỗ trợ này chưa hợp lý, gây ra cảnh “cá treo, mèo nhịn đói”.
Theo giải thích của NHNN và Bộ Tài chính, điều kiện tiên quyết của Nghị định 31/2022/NĐ-CP là để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy vậy, tiêu chí xác định “khả năng phục hồi” lại chưa được quy định, nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều lúng túng khi triển khai. Thêm vào đó, khách hàng còn có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, nên cũng không mấy hào hứng.
Được biết, cùng với sửa đổi Nghị định 31, NHNN cũng đề xuất chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng này sang cho các nhiệm vụ chi có khả năng hấp thụ tốt hơn.
Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, thực tế giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất này rất chậm. Nhiều chuyên gia đang đặt vấn đề thay đổi tiêu chí tiếp cận hoặc chuyển hướng hỗ trợ để giải tỏa vấn đề nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho rằng, trong suốt thời gian đại dịch COVID-19, ngành du lịch cũng như doanh nghiệp bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề và thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn phục hồi. Ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực phục hồi mạnh mẽ nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
“Vừa qua, chúng ta mới tập trung phục hồi tăng trưởng tốt thị trường khách nội địa, nhưng thị trường khách quốc tế còn chậm. Mục tiêu đón khách quốc tế 5 triệu lượt năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,5 triệu lượt, trong khi trước năm 2019 ngành du lịch đón tới hơn 18 triệu lượt. Và năm 2023, chúng ta đưa ra chỉ tiêu đón khoảng 8 triệu lượt khách. Do đó, kế hoạch phục hồi của toàn ngành du lịch phải tới năm 2025 mới về có thể phục hồi như giai đoạn năm 2019 trong điều kiện bình thường, còn nếu tiếp tục suy thoái thì sẽ khó khăn”, ông Tài nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp cho biết, mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Vì hiện nay, các tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi thường là những kết quả định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận kinh doanh phải tăng; hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng, triển vọng kinh doanh của khách hàng…
Trong khi đó, qua khảo sát và báo cáo của các ngân hàng thương mại (NHTM), vướng mắc lớn nhất khiến kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất thấp là các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình này phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau.
Về phía các ngân hàng, lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm sau này cũng là vấn đề được đặt lên bàn cân.
Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý, bởi việc hạch toán và chia cổ tức một khi đã thực hiện thì sẽ khó thu lại. Bên cạnh đó, theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi.
Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng (NHNN), bản thân doanh nghiệp nhận thấy, họ cần vốn nên mong muốn những chính sách hỗ trợ trực tiếp như miễn giảm thuế, hơn là hỗ trợ lãi suất.
Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật và giải đáp về chính sách được ban hành, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; tích cực truyền thông, thông tin về chính sách bằng nhiều hình thức; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh.
Đến cuối tháng 11/2022, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 38.000 tỷ đồng đối với trên 1.500 khách hàng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 28.500 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt hơn 85 tỷ đồng.
Theo bà Giang, thực tế chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất này. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Tổng Hợp
(DTCK)