Vướng mắc phổ biến nhất của các dự án liên quan đến nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất, kế đến là thủ tục pháp lý về giấy phép xây dựng… Đa số chủ đầu tư đều khẳng định đã đủ điều kiện song không thể mở bán vì vướng mắc thủ tục pháp lý.
Ngay sau Hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, một số địa phương đã lên kế hoạch tổ chức gặp gỡ giữa các sở, ngành với những doanh nghiệp có dự án đang gặp vướng mắc để tìm cách tháo gỡ.
Cuối tuần qua, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc cho 7 dự án bất động sản trên địa bàn. Ghi nhận thực tế cho thấy, phần lớn trong số 7 dự án này đều đã được công bố trên thị trường bất động sản, một số phát sinh giao dịch nhận giữ chỗ, đặt cọc.
Vướng mắc phổ biến nhất của các dự án liên quan đến nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất, kế đến là thủ tục pháp lý về giấy phép xây dựng… Đa số chủ đầu tư đều khẳng định đã đủ điều kiện song không thể mở bán vì vướng mắc thủ tục pháp lý.
Đơn cử, dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đường Bến Nghé, Tân Thuận Đông, quận 7, do Công ty TNHH Gotec Việt Nam (Gotec Land) làm chủ đầu tư, dù đã hoàn thiện phần móng, đóng nắp hầm và đang xây lên các tầng tiếp theo nhưng vẫn chưa thể mở bán.
Lý do là, sau 3 lần nộp hồ sơ đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua từ tháng 6/2022 đến nay, doanh nghiệp đều bị Sở Xây dựng TP.HCM trả hồ sơ vì phải rà soát việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất giữa Gotec Land và Công ty cổ phần Tiến Phát Tân Thuận. Trong khi đó, Gotec Land khẳng định đã có văn bản xin rút hồ sơ chuyển nhượng từ tháng 2/2021, hai bên đã thống nhất ngừng chuyển nhượng mà không có khiếu nại, khiếu kiện gì.
Theo ước tính của chủ đầu tư, vì sự chậm trễ này mà các khoản thiệt hại về doanh thu và chi phí tính đến cuối năm 2022 lên đến 1.052 tỷ đồng. Về lâu dài, nếu không được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ không còn khả năng chi trả chi phí và duy trì hoạt động, dẫn đến mức độ thiệt hại lớn hơn. Còn nếu được giải quyết, Gotec Land khẳng định, đến hết quý II/2023, Công ty có thể tất toán toàn bộ khoản vay cũng như đủ khả năng để tự chi trả các chi phí vận hành, xây dựng.
Một dự án khác là dự án căn hộ Cửu Long (De La Sol) tại quận 4, TP.HCM. Theo đại diện chủ đầu tư là Capital Land, De La Sol đã nhận được giấy phép xây dựng và đã cất nóc, song dự án đang được cơ quan chức năng rà soát để xác định vướng mắc liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp trước đây.
Được biết, từ tháng 2/2017, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án với quy mô 14.000 m2. Theo quy hoạch, dự án do Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất – kinh doanh Sài Gòn Cửu Long làm chủ đầu tư, có 870 căn hộ, trong đó 261 căn phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân trên địa bàn quận 4. Tháng 8/2017, chủ đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Việt Hưng Phú với giá 900 tỷ đồng. Sau đó, dự án được chuyển nhượng lại cho CapitaLand và đổi tên thành De La Sol.
Trong danh sách 7 dự án được “gọi tên” tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý, Tập đoàn Novaland có 2 dự án là The Water Bay (rộng 30,2 ha, tại phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức) và Dự án Grand Manhattan (tại phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM), tuy nhiên, do buổi họp hết thời gian nên cuộc làm việc dời lại.
Theo Novaland, với dự án The Water Bay, doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị Bộ Xây dựng giải quyết thủ tục pháp lý song đến nay vẫn còn vướng mắc. Hiện doanh nghiệp đã bỏ vào dự án này số tiền rất lớn.
Còn đối với dự án Grand Manhattan, dự án gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là nhà tái định cư, giai đoạn 2 nhà thương mại. Dự án này được xây dựng trên nền chung cư cũ bị giải tỏa do sắp sập. Dự án được UBND TP.HCM có quyết định giao đất ngày 18/5/2019 , đến nay, Novaland đã nỗ lực cải tạo chung cư cũ, đã xây xong phần tái định cư. Phần thương mại cũng đã xây phần thô, song chưa thẩm định giá đất nên chủ đầu tư chưa thể triển khai các phần tiếp theo.
Ngoài những dự án kể trên, theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 143 dự án đang gặp vướng mắc pháp lý. Dù phía doanh nghiệp đã kiến nghị và nhiều lần “kêu cứu”, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến các chủ đầu tư và người mua nhà tại những dự án này rất khó khăn, bức xúc.
Thực tế, đây không phải lần đầu lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ khó khăn về thủ tục các dự án.
Sau mỗi cuộc họp, các doanh nghiệp đều kỳ vọng những khó khăn, vướng mắc sớm được tháo gỡ, song việc tháo gỡ vẫn khá ì ạch, các dự án vẫn “bất động”.
Đơn cử, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho dự án Dragon City (diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM). Công ty này đã trúng đấu giá khu đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính, được UBND Thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Tuy nhiên, trên khu đất này còn một căn nhà và một số hộ dân không chịu dời đi, khiến hơn 16 năm dự án không thể triển khai.
Theo UBND Thành phố, dự kiến ngày 1/3, Thành phố sẽ tổ chức cuộc họp nghe báo cáo chuyên đề đất đai, bất động sản nhà ở xã hội. Cuộc họp do Phó chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các sở, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, đây là cuộc họp thứ 3 của Lãnh đạo Thành phố nhằm xử lý những vướng mắc, tồn đọng tại các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)