Để giảm được lãi suất cho vay, điều kiện trước hết là phải cắt giảm được chi phí đầu vào. Mặt khác, lãi suất cho vay muốn giảm, cần có đỗ trễ. Mặt bằng lãi suất cao là rào cản lớn đối với người cần vốn…
Rào cản lãi vay cao khiến dòng vốn khó chảy mạnh, nhất là trong quý đầu năm nay, vì đây chưa phải là mùa kinh doanh cao điểm trong năm. Thế nhưng, điều này cũng buộc ngân hàng phải tính toán lại bài toán chi phí đầu vào, giảm lãi suất đầu ra, kích cầu tín dụng.
Chi phí đầu vào đã được các ngân hàng dần tiết giảm, nhất là sau cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với doanh nghiệp bất động sản, khi 4 ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước cam kết đưa lãi suất tiền gửi về mức cao nhất 8,7%/năm, khối ngân hàng cổ phần tư nhân cũng từng bước giảm lãi suất tiết kiệm về mức tối đa dưới 9,5%/năm cho kỳ hạn dài.
Khối ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank) đã giảm lãi suất từ 0,5-3%/năm cho doanh nghiệp, kể cả với doanh nghiệp bất động sản, trong đó ưu tiên lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, xuất nhập khẩu. Sau các nhà băng lớn, khối ngân hàng tư nhân cũng vào cuộc giảm từ 0,5-1,5%/năm lãi suất cho vay, có ngân hàng còn ưu đãi lãi vay cho khách hàng cá nhân mua nhà, mua ô tô…
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngân hàng 14-14,5%, có điều chỉnh theo tình hình thực tế, được đánh giá là phù hợp. Song một số tổ chức phân tích cho rằng, nếu áp lực lãi vay khó giảm, thì dư nợ tăng thấp.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, NHNN nên cân nhắc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng 2 để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện sớm. Đồng thời, NHNN kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách điều chỉnh hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản, cân nhắc điều chỉnh cơ chế theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian qua, áp lực lớn với vốn tín dụng ngân hàng cho bất động sản không phải do điều hành tín dụng, mà do những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. NHNN sẽ tiếp tục dành vốn tín dụng cho dự án đủ điều kiện pháp lý, dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, đồng thời kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với bất động sản cao cấp, không có nhu cầu thực, kinh doanh đầu cơ, làm giá…
Thế nhưng, tình trạng thỏa thuận “ngầm” giữa ngân hàng và khách hàng cộng thêm biện độ lãi suất 0,5-1%/năm vẫn tồn tại, đẩy lãi suất tiền gửi lên mức cao nhất 10-10,5%/năm, nhất là ở những ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, để giảm được lãi suất cho vay, điều kiện trước hết là phải cắt giảm được chi phí đầu vào. Mặt khác, lãi suất cho vay muốn giảm, cần có đỗ trễ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh đánh giá, NHNN hiện khá thận trọng với vấn đề lạm phát, nếu lạm phát tháng 2 và tháng 3 giảm rõ rệt, thì mới kỳ vọng lãi suất có xu hướng giảm. Trong kịch bản xấu, Fed có thể tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 3 và mức tăng chỉ khoảng 0,25%; còn kỳ họp tháng 5 có thể dừng tăng lãi suất, từ đó sức ép lên tỷ giá của Việt Nam còn rất ít, dẫn đến lãi suất trên đà đi xuống.
Theo vị chuyên gia này, lãi suất giảm nhanh hay chậm phụ thuộc vào quan điểm của NHNN. Nếu thận trọng đợi tín hiệu rõ ràng từ việc dừng tăng lãi suất của Fed, thì vào tháng 5, Việt Nam mới chuyển hướng sang hạ lãi suất. Trong bối cảnh lãi suất thực của Việt Nam hiện vẫn cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới, NHNN cần cân nhắc sớm hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Nhu cầu tín dụng chậm lại trong quý đầu năm do nhiều doanh nghiệp hoãn mở rộng sản xuất – kinh doanh vì lo ngại tiêu dùng suy yếu và áp lực lãi vay cao. Ngoài ra, thị trường bất động sản ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, mặt bằng lãi suất huy động còn cao đã kéo theo lãi suất cho vay tăng lên đáng kể ở mức 12-14%/năm. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, cũng như người dân, trong đó có người mua nhà, khiến dòng chảy tín dụng chậm lại.
Không thể lờ đi thực tế bi đát của các doanh nghiệp mà Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã tổng kết: hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu; lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm;…. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (cá biệt có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động); dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới;… Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp vẫn thiết tha Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý, các quy định và trình tự, thủ tục đang cản trở các dự án bất động sản.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán, Vietnamnet)