Sáng 23/2, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ý kiến của các chuyên gia đánh giá cho rằng khoảng 70% vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản là liên quan tới pháp lý.
Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi phải quan tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa.
Thủ tướng nhấn mạnh nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, tình hình thực tế biến động rất nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp, nhiều yếu tố mới mà quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết được, nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ách tắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần giải quyết.
Năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 và cả giai đoạn, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm là phải bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, việc xây dựng các dự thảo luật phải bảo đảm cả tiến độ và chất lượng, với tư duy đổi mới, tầm nhìn xa, chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Năm 2022, Chính phủ đã họp 9 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và Thường trực Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới thể chế, cơ chế, chính sách.
Theo chương trình, Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023 sẽ cho ý kiến đối với 7 nội dung, gồm 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo các chuyên gia, tác động rõ rệt nhất của việc bỏ khung giá đất sẽ làm hạn chế việc kê khai giá thấp khi giao dịch đất đai, giúp tăng thu ngân sách từ thuế chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, bỏ khung giá đất cũng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bởi nếu bị thu hồi đất mà được đền bù dựa trên giá thị trường, người dân cũng dễ đồng thuận hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định: “ Khi bỏ khung giá đất, giá cả sẽ được tính theo nguyên tắc thị trường, giá đền bù thỏa đáng, hiện tượng khiếu kiện giảm, sẽ giúp việc triển khai dự án được đẩy nhanh hơn. Có thể chi phí đầu vào của dự án sẽ tăng lên, nhưng các chủ đầu tư sẽ chủ động được việc tính toán, đưa ra phương án từ đầu, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ lớn hơn ”.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc sửa đổi luật đất đai, cụ thể là việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp có tác dụng làm cho kinh tế nông nghiệp có được sự tham gia của nhiều người khác ngoài tầng lớp nông dân. Bởi luật đất đai năm 2013 chỉ chuyển nhượng đất nông nghiệp trong phạm vi những người làm nông nghiệp.
GS. Võ nhận định: “ Việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp lần này thì kể cả những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng đất lúa và đất nông nghiệp. Đây là một triển vọng tốt hơn cho kinh tế nông nghiệp nhưng cần phải có thêm những giải pháp khác để bảo vệ người nông dân “.
Theo vị giáo sư, hiện nay chúng ta mở cho kinh tế nông nghiệp phát triển bằng cách động viên các doanh nhân tham gia vào nhưng làm gì để bảo vệ người nông dân thì lại chưa thấy có cơ chế.
Bên cạnh đó, nói về lo ngại mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ gây ra tình trạng lách luật, trục lợi thì GS. Đặng Hùng Võ cho rằng không cần lo sợ vấn đề này.
“ Nếu có hoạt động tự động chuyển hóa đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thì mới phát sinh vấn đề. Mà hoạt động này thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chính quyền cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) giám sát tốt việc sử dụng đất tại địa bàn “, chuyên gia nhấn mạnh.
Pháp luật đã quy định rất rõ ràng rằng cấp cơ sở phải giám sát thật chặt chẽ hoạt động sử dụng đất ở địa bàn trong đó có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tổng Hợp
(VTC)