Sau Hội nghị ‘nóng’ về bất động sản (BĐS), Chính phủ đưa ra dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững. Nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm, đặc biệt là phân khúc bình dân…
Mục tiêu của dự thảo Nghị quyết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường BĐS, trong đó tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường; tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường.
Theo đó, để cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, tăng nguồn cung cho thị trường thông qua cải cách, tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư các dự án BĐS, Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, BĐS trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Từ đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án.
Khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường.
Tăng cường thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất thực hiện dự án để tăng nguồn cung cho thị trường.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4 để giải quyết nhanh các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát công tác giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh không để kéo dài thời gian, tồn đọng công việc.
Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án BĐS và việc ban hành kết luận kết quả rà soát pháp lý các dự án làm cơ sở để các dự án tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo theo quy định.
Chủ động tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, dự án BĐS đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan như: điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ được tách diện tích đất trong dự án BĐS thành dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại…
Nửa cuối năm 2022 là thời điểm chứng kiến sự lao dốc mạnh của thị trường bất động sản với hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ, không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh do nhiều dự án bị đình trệ. Chưa kể, các doanh nghiệp bất động sản chật vật với những khoản nợ đến hạn, trong khi các kênh dẫn vốn đều tắc nghẽn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản đã giải thể trong năm 2022, tăng 39% so với năm trước đó.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) – cho rằng, cần cho phép doanh nghiệp bất động sản tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong 12 – 24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được tiếp cận khoản vay tín dụng mới. Cốt lõi của vấn đề này chính là tạo điều kiện để dòng tiền mới được “bơm” vào thị trường.
Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản phá sản tăng gần 40% trong năm qua cho thấy thị trường đang ở mức độ sàng lọc rất lớn. Thị trường hiện rõ những doanh nghiệp, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy quá mức và đang mắc kẹt với các khoản vay. Vì vậy, trước khi giải cứu cần làm rõ việc các ngân hàng đang cho vay bất động sản thế nào, vướng mắc ở đâu, tại sao không giải ngân được, dự án bất động sản đã hoàn thiện thủ tục chưa, đã hoàn thiện thủ tục thì phải giải ngân tiếp như thế nào…
Ngoài ra, hiệu quả của dự án và các dự án đang giải ngân nhưng thủ tục chưa đầy đủ thì xử lý thế nào cũng là vấn đề cần được tính tới. Từ đó mới có giải pháp để tháo gỡ và ban hành tiêu chí cho vay đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào dự án bất động sản cao cấp.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)