Lãi suất huy động trên thị trường hiện đã hạ nhiệt đôi chút so với thời điểm trước Tết. Tuy nhiên mặt bằng chung thì lãi suất vẫn cao. Nhưng liệu vốn rẻ bắt đầu xuất hiện?
Người gửi tiền không khó để nhận được mức lãi suất hơn 9%/năm cho kỳ hạn 6 tháng trở lên. Thậm chí với các mức tiền gửi lới, lãi suất còn được cộng thêm đáng kể so với biểu niêm yết, tới 10%/năm. Với mức lãi suất này, ngân hàng sau khi cộng các chi phí vận hành, lãi suất cho vay đến người dân rẻ nhất cũng khoảng 12-13%/năm, thậm chí nhiều nơi còn cho vay với 14-15%/năm.
Lãi suất huy động lên cao không chỉ gây áp lực lên lãi suất cho vay mà còn làm xuất hiện tâm lý dè chừng hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Bởi lẽ nhiều người lo sợ, với mức lãi suất này, cộng với sức cầu ngoài thị trường chưa cao thì làm ăn thua lỗ là điều khó tránh. Bên cạnh đó, lãi suất vay lên cao còn gây rủi ro nợ xấu cho hệ thống ngân hàng bởi người vay không thể trả nổi.
Từ trước Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài xuống tối đa 9,5%/năm. Mới đây, trước thềm cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tín dụng bất động sản, các ngân hàng có thị phần lớn trên thị trường (big4) cũng thống nhất giảm thêm lãi suất huy động để có dư địa giảm lãi suất cho vay. Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2022 mới công bố hôm 9/2, Chính phủ một lần nữa yêu cầu NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Ngân hàng Sacombank vừa thông báo cho biết triển khai ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên toàn quốc.
Theo đó, đối với khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp) hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, Sacombank áp dụng mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm.
Đồng thời, Sacombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng doanh nghiệp đạt hạng siêu VIP theo chính sách khách hàng Sacombank Sapphire.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng đang triển khai chương trình cho vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi. Khách hàng cá nhân có thể vay đến 100% giá trị xe và thời gian vay kéo dài đến 10 năm với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm.
“Ông lớn” VietinBank mới đây cũng công bố gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng bằng VND, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết 30/6/2023 sẽ được VietinBank ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm. Gói ưu đãi áp dụng cho các DN SME lần đầu vay vốn tại VietinBank hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua. Ngân hàng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, gói ưu đãi SME UP được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ DN SME tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Một ngân hàng lớn khác là MB cho biết bắt đầu từ ngày 10/2 đã áp dụng giảm 1% lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỉ. Khách hàng có thể thực hiện đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online ngay trên nền tảng BIZ MBBank để được hưởng lãi suất ưu đãi. Khách hàng doanh nghiệp cần hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng và các thủ tục thế chấp tài sản đảm bảo với MB.
Ngân hàng SeABank cũng vừa tung gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh. Đây là nỗ lực của SeABank nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất phù hợp, chung tay cùng Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế.
Được biết, gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay tối đa 1% nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn tối đa 12 tháng. Theo đó, các khoản vay phục vụ sản xuất và thương mại trong các lĩnh vực như chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được giảm 1%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng. Ngoài ra, SeABank cũng giảm 0,5%/năm cho các khoản vay kinh doanh không thuộc lĩnh vực nêu trên.
Trước đó, SeABank đã triển khai chính sách Cho vay hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước với mức hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngân hàng cũng triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất lên đến 2% cho nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng xanh.
Hồi đầu năm, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, ngân hàng sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại Vietcombank. Thời gian giảm từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/4/2023. Hệ thống sẽ tự động giảm lãi suất cho khách hàng mà không phải có đơn đề nghị hay thủ tục, giấy tờ gì. Trong năm 2023, Vietcombank vẫn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất so với thị trường nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh.
Động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng diễn ra sau khi lãi suất huy động đang có chiều hướng hạ nhiều trong hơn 1 tháng trở lại đây. Theo khảo sát, trên website chính thức, hiện không còn ngân hàng nào công bố mức trên 10%/năm. Các nhà băng quốc doanh (Big4) và nhóm tư nhân đều có sự điều chỉnh lãi suất, giảm khoảng 0,5-1,5%/năm so với trước Tết.
Tổng Hợp
(Tổ Quốc, Nhịp Sống Kinh Tế)