Tháo gỡ ách tắc pháp lý cho các dự án bất động sản là một trong những giải pháp gỡ nghẽn thanh khoản cho doanh nghiệp ngành này.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, vấn đề trái phiếu đang gây tắc nghẽn thị trường. Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ban đầu, chính phủ Mỹ cũng để cho thị trường tự điều tiết, kết quả Lehman Brothers phá sản, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống tài chính và kinh tế nước này. Mỹ sau đó phải lập tức can thiệp, thậm chí là quốc hữu hoá cả các công ty sản xuất, chứ không riêng các ngân hàng thương mại.
“Tại Việt Nam, trong năm 2023, lượng trái phiếu đáo hạn có thể lên đến 285.000 tỷ đồng, nếu để thị trường tự xử lý thì không chỉ tắc nghẽn dòng vốn mà có thể dẫn đến những rủi ro hệ thống, lan sang cả hệ thống ngân hàng và toàn bộ thị trường tài chính”, ông Cường nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cần quan tâm giải quyết vấn đề của thị trường này ngay từ đầu năm.
Ông Thân nhận định, hiện nay, các doanh nghiệp có vấn đề về trái phiếu có thể chia làm 3 loại. Thứ nhất, doanh nghiệp có những vấn đề quá lớn, không thể “cứu” được nữa thì đành chịu. Thứ hai, doanh nghiệp đang làm ăn đàng hoàng thì cần tạo điều kiện về thể chế để họ có thể huy động trái phiếu một cách bình thường. Thứ ba, đông nhất là các doanh nghiệp dạng “nhờ nhờ”, đang khó khăn vì đến kỳ mà không trả được. Các doanh nghiệp này đã tận dụng sự lỏng lẻo của cơ chế khi huy động, nhưng Nhà nước cũng cần chia sẻ với họ một phần, vì công tác quản lý nhà nước cũng có lúc lỏng lẻo, nên mới không phát hiện được kịp thời những vi phạm của họ.
“Tháo gỡ về thủ tục hành chính có thể giải quyết được phần nào những vấn đề của thị trường trái phiếu hiện nay”, ông Thân nhấn mạnh.
Việc gỡ ách tắc pháp lý để các doanh nghiệp xoay xở dòng tiền là yêu cầu cấp thiết hiện nay, bởi theo Finn Rating, “nếu các doanh nghiệp đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc giãn nợ hoặc hoán đổi các sản phẩm bất động sản cho các khoản gốc và lãi vay trái phiếu, cũng chỉ có thể hỗ trợ duy trì thanh khoản trong khoảng thời gian ngắn”
Nhìn lại quãng thời gian “lên bổng xuống trầm” của toàn ngành địa ốc nói chung và thị trường nhà ở nói riêng trong thời điểm khó khăn vừa qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế – tài chính, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính đã có cái thở phào nhẹ nhõm: “Đến bây giờ, có thể nói là Chính phủ và các cơ quan quản lý đã “rút củi đáy nồi” khá thành công. Chúng ta đã hạ nhiệt kịp thời để “chiếc nồi” thị trường không bị sôi quá mức mà trào nước ra ngoài. Điển hình như ở một số địa phương tuy đã bắt đầu hình thành bong bóng bất động sản nhưng rất may đã được xì hơi kịp thời”.
Tuy nhiên, xét cho cùng, “rút lửa” vẫn chỉ là biện pháp cấp bách trong lúc nguy nan để đem lại hiệu quả tức thời, ngăn không cho thị trường bị “sôi trào”. Theo các chuyên gia, thách thức bủa vây tứ phía trên thị trường nhà ở, trong khi việc cải thiện nguồn cung là vấn đề nan giải khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Do đó, cần phải có những giải pháp cụ thể và mang tính đường dài hơn. “Chiếc nồi” cần phải được giữ lửa trên một nhiệt độ thích hợp và ổn định, thay vì lúc thì thiếu nhiệt, lúc lại quá lửa.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO; thu hẹp quy mô hoạt động, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư. Có đơn vị cắt giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30 – 50%, không có tháng lương thứ 13, không thưởng Tết Quý Mão.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản thực hiện giảm sâu giá bán, chiết khấu đến 45 – 50% trên giá niêm yết nhưng vẫn rất khó bán được hàng, vì hầu như không có người mua. Do đó, dù có tài sản lớn nhưng các doanh nghiệp này vẫn thiếu thanh khoản nghiêm trọng, có thể dẫn đến tình trạng “chết đói trên đống của”.
“Bên cạnh khó khăn lớn nhất là vướng mắc pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, thì khó khăn tiếp theo là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và các khoản vay tín dụng đến hạn, kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc nhảy nhóm nợ xấu hơn”, ông Châu dẫn số liệu của Hiệp hội tổng hợp cho biết.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán, RealTimes)