Tối 13/2, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) đã phát ra thông cáo về giao dịch bất thường cổ phiếu PDR trong ngày 13/2. Công ty chứng khoán Mirae Asset đã bán giải chấp số lượng lớn cổ phiếu của Chủ tịch Phát Đạt…
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Bất động sản Phát Đạt đã bị bán ra gần 5,3 triệu cổ phiếu PDR trong phiên 13/2 theo phương thức khớp lệnh. Giao dịch này khiến lượng cổ phiếu ông Đạt nắm giữ giảm về hơn 283 triệu cổ phần, tương đương 42,95% vốn điều lệ công ty.
“Khối lượng lớn cổ phiếu PDR được đặt bán trong sáng 13/2 phát sinh từ sự hiểu nhầm trong quá trình trao đổi thông tin giữa nhân viên của ông Nguyễn Văn Đạt và Công ty Chứng khoán Mirae Asset”, văn bản viết.
Do có sự “hiểu nhầm” này, Chứng khoán Mirae Asset đã đặt lệnh bán một lượng lớn cổ phiếu PDR trong tài khoản chứng khoán của ông Đạt, trong khi vị này không đặt bất kỳ lệnh bán nào và vẫn thực hiện đúng các thỏa thuận với công ty chứng khoán.
Ngay sau khi phát hiện việc hiểu nhầm, các bên đã liên lạc với nhau và Chứng khoán Mirae Asset đã lập tức dừng lệnh đặt bán.
“Để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến thị giá cổ phiếu PDR, ông Nguyễn Văn Đạt và Chứng khoán Mirae Asset đang liên lạc với nhau để giải quyết sự việc”, thông cáo của Phát Đạt nêu rõ.
Thực tế, theo thông báo mới đây của Mirae Asset, đơn vị này cũng dự kiến bán giải chấp đến 6 triệu cổ phiếu PDR của khách hàng Nguyễn Văn Đạt kể từ ngày 13/2 đến khi đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ.
Trong phiên giao dịch 13/2, cổ phiếu PDR là một trong những mã bị bán tháo mạnh khi giảm sàn xuống mức 11.250 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh đạt gần 14 triệu cổ phiếu và vẫn còn hơn 1,2 triệu đơn vị dư bán ở mức giá sàn. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong vòng gần 4 năm trở lại đây của cổ phiếu PDR.
Sau phiên giảm sàn này, hiện vốn hóa thị trường của PDR tương ứng chỉ còn 7.600 tỷ đồng, giảm đến 84% so với đỉnh đạt được hồi giữa tháng 10/2021.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 4/2022 vừa qua, doanh thu của “ông lớn” bất động sản này chỉ đạt vỏn vẹn 15 tỷ đồng và lỗ kỷ lục tới 229 tỷ đồng.
Công ty lý giải kết quả này do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản nên việc đầu tư kinh doanh vào các dự án không được thuận lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang thực hiện chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Lũy kế cả năm 2022, Phát Đạt ghi nhận hơn 1.500 tỷ đồng doanh thu, giảm 60% so với cùng kỳ và thu về khoản lãi 1.170 tỷ đồng, thấp hơn gần 40% so với 2021.
Ngày 28/2, Phát Đạt sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. HĐQT công ty đã đồng ý tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 trong tháng 3 tới đây.
Cuộc họp ĐHĐCĐ lần này của Phát Đạt sẽ thông qua các nội dung quan trọng như là báo cáo của ban quản trị và ban điều hành về hoạt động năm 2022 và kế hoạch định hướng năm 2023; báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, kế hoạch sử dụng lợi nhuận sau thuế và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023.
ĐHĐCĐ thường niên năm nay được tổ chức trong bối cảnh Phát Đạt đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Trong quý IV/2022, Phát Đạt ghi nhận 14 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm tới 99% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lên tới 28,6 tỷ đồng khiến công ty ghi nhận lỗ gộp gần 14 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính ghi nhận 16,4 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng gấp 3 lên 221,1 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng gấp đôi lên 140,5 tỷ đồng.
Kết quả, Phát Đạt báo lỗ quý 4 gần 229,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2021 ghi nhận lãi 751,5 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, PDR ghi nhận tổng doanh thu 1.504,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.169,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 58,4% và 37,1% so với cùng kỳ 2021.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Phát Đạt đạt 22.845,3 tỷ đồng, tăng 11,16% so với đầu năm, bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 494 tỷ đồng về còn 261,8 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 123% lên 5.649,83 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm nhẹ mức 12.131,5 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của Phát Đạt là 13.575,7 tỷ đồng, tăng 9,4% so với thời điểm cuối năm ngoái, phần lớn trong số đó là nợ ngắn hạn. Cụ thể, phải trả người bán ngắn hạn tăng gấp 3 lên 456,5 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn tăng 376% lên 467,5 tỷ đồng, người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 26,7% về còn 1.239,4 tỷ đồng; vay ngắn hạn tăng mạnh từ 806,8 tỷ đồng lên 2.668 tỷ đồng.
Tổng Hợp
(Dân Việt)