Trong khi Ngân hàng Nhà nước đang tích cực chuẩn bị chính sách tiền tệ điều hành phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời “ghé” vai giải cứu bất động sản…Lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp khó tiếp cận.
Ghi nhận tại một số NH thương mại, lãi suất cho vay đối với sản xuất – kinh doanh thông thường hiện đã lên khoảng 13%-14%/năm, thậm chí một số DN vay mới chịu lãi suất cao hơn, tới 15%-16%/năm.
Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã có điều chỉnh giảm tại một số NH trong thời gian qua, dù mức độ giảm không đáng kể – chỉ khoảng 0,5 điểm %. Trong khi lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi – vẫn ở mức trung bình khoảng 12%-16%/năm.
Tại buổi tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của một tờ báo phía Nam diễn ra gần đây, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho rằng, cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa về hướng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giảm lãi suất. “Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp “không có cửa” để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư”, ông Hòa kiến nghị.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên cũng bày tỏ lo ngại về nguồn vốn cho nền kinh tế. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, từ nửa sau của năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc khô cạn nguồn vốn tín dụng và nhất là lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý là khó khăn của một bộ phận quan trọng bậc nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa. “Doanh nghiệp của ta yếu, mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn được”, ông Thiên nói.
Còn TS chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa chỉ ra bức tranh vô lý của nền kinh tế, muốn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực chất cần giải được vấn đề phi lý tồn tại hiện nay là “lạm phát thấp, tỷ giá ổn định nhất nhưng lãi suất lại cao nhất thế giới”. Cụ thể hơn, ông Nghĩa phân tích: Muốn giảm được lãi suất cần cân bằng cung tiền, phối hợp cung tiền với chính sách tài khoá. Tức là vừa tăng cung tiền để lãi suất giảm nhưng phải vừa sử dụng chính sách tài khóa để giảm thuế nhập khẩu, giúp giảm giá hàng hóa, giữ ổn định lạm phát. Cần sự phối hợp vì hiện tại lạm phát cơ bản đã khoảng 5%, nếu tăng cung tiền, một mặt làm giảm lãi suất nhưng một mặt sẽ làm lạm phát tăng, vì vậy phải có sự đồng bộ của chính sách tài khoá để kìm giữ lạm phát như năm 2022.
Theo phân tích của các chuyên gia, lãi suất có thể sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này do điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn. Như Tiền Phong đã đưa tin, trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý 2, khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
Thông tin tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) sáng 8/2 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank đã cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lãi suất đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% hiện tại.
Thống kê hiện nay cho thấy, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. So với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11/2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Đơn cử: VietCapitalBank lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra là 9%/năm, áp dụng với tiền gửi trực tuyến 12 tháng trở lên trong khi trước đó, cuối năm 2022, lãi suất ở kỳ hạn này là 9,5%/năm. Tại PVCombank, khách hàng gửi tiền trực tuyến (theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng) loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm, giảm 0,4%/ năm. Tương tự, Techcombank đến nay đã hạ lãi suất huy động 0,3 – 0,4%/ năm so với thời điểm tháng 12/2022 Trong khi đó, khách hàng thường được trả lãi 8,9%/năm.
Còn theo một đại diện lãnh đạo NH Quân Đội (MB) nhận định: trong quý I, II/2023 kinh tế có thể khó khăn nhưng khi lãi suất có chiều hướng đi xuống thì cầu đầu tư sẽ tăng lên. Ở kịch bản tích cực, nền kinh tế sẽ phục hồi rõ rệt từ quý III năm nay. MB đang ấp ủ các chính sách giảm chi phí vốn cho DN, nhất là những tháng đầu năm, bằng cách giảm lãi suất cho DN siêu nhỏ và nhỏ. “Năm 2023, thay vì đẩy lãi suất cho vay cao để tăng lợi nhuận, chúng tôi sẽ tập trung giảm chi phí vốn, đẩy mạnh tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tối ưu chi phí hoạt động, quản lý chất lượng tài sản để giảm chi phí dự phòng. Điều này vẫn bảo đảm NH có lợi nhuận tốt và khách hàng không phải chịu lãi suất quá cao” – đại diện lãnh đạo MB nói.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, trong cuộc họp sáng 8/2, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không có chỉ đạo siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, mà là kiểm soát chặt chẽ rủi ro ở một số phân khúc có tỷ lệ rủi ro cao trong bất động sản, doanh nghiệp có tính chất đầu cơ, có thể gây ra tình trạng bong bóng hay đóng băng thị trường bất động sản.
Cụ thể, tín dụng bất động sản đã tăng trưởng cao trong năm 2022, trên 24,2%. Đến cuối 2022, Dư nợ cho vay đạt 2,58 triệu tỷ đồng, chiến tỷ trọng cao nhất trong 5 năm qua.
Tỷ lệ nợ xấu là 1,81%, tăng so với mức 1,67% của năm 2021, do đó cần kiểm soát để đảm bảo an toàn hệ thống. Còn đối với những phân khúc bất động sản ít rủi ro, như bất động sản khu công nghiệp phục vụ mặt bằng cho doanh nghiệp sản xuất, hay dự án phục vụ nhu cầu mua nhà thật đều được các ngân hàng cho biết sẽ cấp vốn như những lĩnh vực khác.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Người Lao Động, VTV)