Dù thanh khoản toàn thị trường bất động sản gặp khó, dù người mua nhà giảm chú ý đến đất nền, đất thổ cư, chung cư cao cấp nhưng nhà ở xã hội, nhà bình dân cho người thu nhập thấp vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã được phê duyệt. Hiện đã có 40 địa phương đăng ký nhu cầu và kế hoạch thực hiện. Theo đó, ước tính sơ bộ nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,6 triệu căn và mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1,8 triệu căn hộ.
Hơn 15 năm thuê trọ ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), anh Hoàng Minh Hào (39 tuổi) chia sẻ hoàn cảnh, một mình anh đi làm và gửi phần lớn tiền lương cho vợ ở quê Nam Định nuôi con nhỏ. Anh cũng cho biết, có tiết kiệm được khoản tiền gần 1 tỷ đồng, nhưng số tiền này không thể mua được nhà ở Hà Nội. “Tôi cũng có tìm hiểu các dự án nhà ở dành cho người thu nhập trung bình, nhà ở xã hội nhưng rất khó tiếp cận” – anh Hào nói.
May mắn hơn anh Hoàng Minh Hào, vợ chồng chị Trần Mỹ Phương (Hưng Yên) đã mua được căn nhà ở xã hội (Rice City Thượng Thanh – Long Biên – Hà Nội) song thời gian trả góp vẫn còn hơn 10 năm nữa. Chị Phương cho rằng, rất nhiều người quen của chị có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhưng chưa may mắn tiếp cận được.
Không chỉ ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… nhiều gia đình là công nhân tại các khu công nghiệp cho biết, mong muốn có được căn nhà nhỏ để yên tâm làm việc.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), một nghịch lý hiện nay của thị trường bất động sản tại thành phố là nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền (dưới 2 tỷ đồng/căn) và nhà ở xã hội dành cho người lao động thu nhập thấp luôn trong tình trạng khan hiếm, trong khi các dự án bất động sản cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự biển… lại dư thừa.
Thống kê của HoREA cho thấy, loại nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại TPHCM trong năm 2020 chỉ chiếm 1%; từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại gần như “tuyệt chủng” căn hộ có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, còn các dự án nhà ở với mức giá từ 25 – 30 triệu đồng/m2 cũng chỉ có một số ít tại những khu vực xa trung tâm thành phố. Việc này tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở của TP Hồ Chí Minh cho đa số người yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.
Thời gian gần đây, các địa phương cũng quyết tâm dồn lực để phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại vừa túi tiền. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản như Hưng Thịnh, Vingroup, Sun Group, Him Lam,… cũng hưởng ứng và tham gia làm nhà ở dành cho người thu nhập thấp.
Động lực chính khiến nhiều chủ đầu tư trở lại phân khúc nhà ở này là khả năng tiếp cận nguồn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đang có chủ trương siết lại tín dụng đối với các phân khúc cao cấp vì phát triển quá nóng thời gian qua, nhưng những dự án hướng đến nhu cầu thực vẫn có cơ hội tiếp cận tín dụng hay gói hỗ trợ lãi suất thấp. Nhà ở xã hội có thể là kênh để nhiều chủ đầu tư duy trì được dòng tiền trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Chưa kể, nhu cầu nhà giá bình dân dành cho người thu nhập thấp luôn cao.
Tuy nhiên để phát triển được nhà ở xã hội, nhà giá bình dân cho người thu nhập thấp ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành cho rằng, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cần hợp lực. Trong đó, vướng mắc về pháp lý, lãi suất và dòng vốn… phải tháo gỡ sớm.
Ngay từ năm 2022, nhiều doanh nghiệp địa ốc tuyên bố sẽ lấn sân vào phân khúc này. Nhưng, đến hiện tại, khó khăn và thách thức trong bài toán xây dựng nhà ở xã hội vẫn còn trở thành trở ngại lớn cho doanh nghiệp.
Trong chia sẻ tại toạ đàm tại TP.HCM, ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành chia sẻ: “Để triển khai được NOXH cần 3 cơ quan đó là Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho thị trường bất động sản, đưa ra nghị quyết về việc phát triển 1 triệu căn NOXH trong vài năm tới. Để hoàn thành con số này trong thời gian còn lại thì tất cả phải nổ lực rất rất nhiều chứ không còn nhiều thời gian”.
Song ông Nghĩa đặt ra câu hỏi: “Vậy vấn đề là vướng ở đâu mà NOXH triển khai chậm?”.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Nghĩa phân tích, đầu tiên, doanh nghiệp phải làm NOXH thì mới có nhà cho người dân mua. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, thời gian vừa qua, chính sách hỗ trợ chỉ tập trung hỗ trợ người mua NOXH mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người làm ra NOXH.
“Bằng chứng là ngân hàng chỉ hỗ trợ lãi suất, tiền cho người vay mua NOXH. Nhưng hỏi có nguồn tiền nào để cho doanh nghiệp làm ra NOXH vay thì thì xin thưa là không? Cuối cùng là nếu có 1.000 người đang có nhu cầu mua NOXH thì nhà đâu để mua?”, ông Nghĩa cho hay.
“Nếu có khả năng, có thể làm NOXH thì tại sao doanh nghiệp lại không làm? Từ thực tế bản thân tôi hiểu là do “làm không lời nên họ không làm”. Và hỏi họ có được hỗ trợ gì không thì rõ ràng là đọc các Nghị định, quy định thì có nhưng để doanh nghiệp được hỗ trợ là một con đường rất dài”, ông Nghĩa nói thêm.
Vị này chia sẻ rằng: “Câu chuyện làm nhà ở thương mại và NOXH sẽ tạo ra 2 lợi nhuận khác nhau. Cụ thể, nếu làm NOXH chỉ lãi 10% nhưng thời gian làm mất hết 5 năm. Vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2% thì thà để ngân hàng còn lời nhiều hơn. Vậy nên nếu không có nhiều tâm huyết như chúng tôi thì các doanh nghiệp khác sẽ không làm. Đáng nói hơn là khi chúng tôi đã làm thì lại bị thanh tra, kiểm tra liên tục. Các doanh nghiệp khác họ thấy vậy, cũng sợ nên thà không làm NOXH hoặc làm rồi từ bỏ. Cuối cùng không có sản phẩm NOXH cho thị trường”.
Tổng Hợp
(Đại Đoàn Kết, Nhịp Sống Thị Trường)