Việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.
Thực tế, việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến đề xuất tăng giá điện, đầu tháng 10/2022, Bộ Công Thương từng đề xuất thay đổi biểu giá điện sinh hoạt theo hướng rút gọn từ 6 bậc còn 5 bậc hoặc 4 bậc. Cơ quan này cũng đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến.
Cụ thể, với phương án rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc, Bộ Công Thương đề xuất:
+ Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên (1.678 đồng/kWh);
+ Bậc 2: cho kWh từ 101-200 (2.014 đồng/kWh);
+ Bậc 3: cho kWh từ 201-400 (2.536 đồng/kWh);
+ Bậc 4: cho kWh từ 401-700 (3.020 đồng/kWh);
+ Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên (3.356 đồng/kWh).
Với phương án rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc:
+ Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên (1.678 đồng/kWh);
+ Bậc 2: cho kWh từ 101-300 (2.163 đồng/kWh);
+ Bậc 3: cho kWh từ 301-700 (2.927 đồng/kWh);
+ Bậc 4: cho kWh từ 701 trở lên (3.076 đồng/kWh).
Trước đó, tại hội nghị “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành “giật cục”, cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Cụ thể, từ ngày 3/2, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế GTGT) như sau: mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Khi có biến độ lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là khung giá bán lẻ điện bình quân tăng, liệu hóa đơn tiền điện tháng này có tăng?
Thực tế, việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định cứng giá bán lẻ điện bình quân.
Khung giá bán lẻ điện bình quân, cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là căn cứ để Bộ Công Thương tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, và báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Còn hiện tại, giá bán lẻ điện bình quân vẫn là 1.864,44 đồng/kWh, được áp dụng từ năm 2019 đến nay. Tại Việt Nam, Nhà nước sẽ quy định khung giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá. Trong khi đó, giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) quyết định trên cơ sở khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mà Nhà nước quy định.
Tổng Hợp
(Dân Trí)