Thị trường tiền tệ đầu năm 2023 đang diễn biến tích cực khi nhiều dự báo về lãi suất được điều chỉnh giảm…
Sau 5 phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần (3/2).
Ngay ngày đầu tiên ra Tết, thị trường tiền tệ diễn biến bất ngờ khi tỷ giá VN/USD lần đầu hạ nhiệt mạnh giảm thị trường tự do còn thấp hơn niêm yết NHTM.
Theo báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, so với cuối tháng 12/2022, tính tới hết tháng 1/2023, đồng VND đã tăng trở lại 0,75% so với đồng USD. Lãi suất ở mặt bằng cao cùng chỉ số (Dola Index) DXY hạ nhiệt là những yếu tố đang hỗ trợ cho sự lên giá của đồng VND.
Không chỉ VND mà tất cả đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á (theo mẫu theo dõi của BVSC) cùng có chung diễn biến lên giá so với cuối năm 2022. Trong đó, đồng Baht của Thái Lan là đồng tiền có diễn biến tăng giá cao nhất 4,76%. Việc VND vẫn có diễn biến lên giá trong bối cảnh NHNN có động thái mua USD trở lại (theo một số nguồn tin) cho thấy áp lực tỷ giá từ ngoại cảnh đang giảm bớt. Kết hợp cùng việc kiểm soát được chỉ số CPI trong những tháng tới về dưới ngưỡng mục tiêu 4,5%, đây sẽ là cơ sở để hạ tiếp mặt bằng lãi suất và dần nới lỏng hơn về chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Thị trường tiền gửi dân cư, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, BVSC cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. BVSC kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, với các dấu hiệu rõ nét hơn từ Quý 2, khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
Theo NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2023 sẽ ở mức 14-15%. BVSC cho rằng với mặt bằng lãi suất cao, khu vực bất động sản gặp khó khăn và triển vọng kinh tế kém tích cực, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 sẽ chỉ ở khoảng 13%.
Tính chung, cơ quan quản lý tiền tệ đã hút ròng 12.592 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng trong phiên giao dịch 3/2. Trước đó, Nhà điều hành đã liên tục bơm thanh khoản trong 5 phiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết với tổng khối lượng cung ứng ròng đạt gần 70.800 tỷ đồng.
Sự đảo chiều điều hành của NHNN diễn ra sau khi Fed (Cục dữ trữ liên bang Mỹ) thông báo nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %, đúng như dự báo của thị trường. Fed đã tăng lãi 8 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Hiện lãi suất chuẩn tại Mỹ nằm trong khoảng 4,5-4,75%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Mặt khác, lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao dù NHNN liên tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 2/2, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch) ở mức 6,26%/năm, tăng thêm 0,17 điểm% so với mức ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết và cao hơn khoảng 1,7 điểm % so với cuối năm 2022.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tại các kỳ hạn dài hơn như 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng biến động trái chiều. Trong khi lãi suất kỳ hạn 9 tháng bất ngờ tăng lên 13%/năm từ mức 9,61% ghi nhận trước đó. Dù vậy, doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ ở mức 200 tỷ, chiếm chưa đến 0,1% quy mô giao dịch liên ngân hàng trong phiên 2/2.
Đánh giá từ giả định mức lãi suất mục tiêu mà Fed hướng đến có thể dao động quanh 5% trong năm 2023, VCBS cho rằng để đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, mặt bằng trung bình khả năng cao neo quanh 7% đối với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng.
Ngoài những ảnh hưởng tích cực từ diễn biến thị trường quốc tế, chứng khoán trong nước cũng nhận được sự hỗ trợ từ bối cảnh vĩ mô đang trở nên ổn định hơn.
Sau giai đoạn nóng bỏng nửa cuối năm ngoái, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã có dấu hiệu giảm trở lại trong hai tháng gần đây, khi đô la Mỹ trên thị trường quốc tế liên tục đi xuống từ đầu tháng 11-2022 đến nay.
Với triển vọng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất như đã nói, đô la Mỹ cũng không còn quá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là khi rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang ngày càng gần hơn.
Gần đây một số tổ chức đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể tận dụng việc tỷ giá ổn định để mua ngoại tệ mạnh mẽ trở lại trong năm 2023 này, nhằm gia tăng dự trữ ngoại hối vốn đã bị sụt giảm sau những động thái can thiệp thị trường ngoại hối trong năm 2022.
Đáng lưu ý là nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục mua ròng từ phiên ngày 16-1-2023 đến ngày 30-1-2023, đánh dấu sáu phiên mua ròng liên tiếp với tổng giá trị gần 3.800 tỉ đồng tính riêng trên sàn HOSE.
Nếu không tính phiên bán ròng 3.036 tỉ đồng hôm 13-1-2023, chủ yếu do ảnh hưởng bởi giá trị bán ròng 3.393 tỉ đồng tại mã EIB, khối ngoại đã có 21 phiên mua ròng liên tiếp.
Động thái mua ròng mạnh mẽ của nhóm này từ đầu tháng 11-2022 đến nay, trùng với thời điểm VN-Index bắt đầu xác lập đáy, đã trở thành động lực mạnh mẽ cho thị trường trong ba tháng qua.
Bên cạnh tỷ giá, lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt có lẽ cũng trở thành một trong những yếu tố tác động tích cực lên thị trường. Sau khi đạt đồng thuận giảm lãi suất huy động về 9,5% từ giữa tháng 12-2022, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ngay sau Tết Nguyên đán, khi dòng tiền tiết kiệm chảy vào hệ thống ngân hàng gia tăng mạnh mẽ, trong khi nhu cầu vay vốn đầu năm thường suy yếu.
Nhiều dự báo của giới phân tích cho rằng lãi suất sẽ bắt đầu ổn định và có thể giảm trở lại trong nửa cuối năm nay, khi chính sách lãi suất của nhà điều hành có thể tiếp bước động thái của Fed. Nếu lãi suất sớm giảm trở lại cùng với TTCK trở nên hấp dẫn hơn, dòng tiền có thể lại đảo chiều chuyển dịch từ kênh tiền gửi ngân hàng sang kênh chứng khoán. Dù vậy, xu thế này sẽ chưa sớm diễn ra, ít nhất là trong nửa đầu năm nay.
Đáng lưu ý là với dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đã giảm mạnh trong những tháng qua, có thể thấy đà tăng của thị trường gần đây đóng góp chủ yếu bởi dòng tiền tươi, do đó rủi ro bán giải chấp cũng đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Dữ liệu thống kê của FiinTrade cho thấy dư nợ cho vay ký quỹ tại 38 công ty chứng khoán đạt 102.300 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2022, giảm 41.300 tỉ đồng, tương đương giảm 28,8% so với cuối quí 3-2022 và giảm hơn 72.000 tỉ đồng, tương đương giảm 39% so với mức đỉnh lịch sử của quí 1-2022.
Điều quan trọng không kém là những sự kiện đã tác động tiêu cực lên TTCK trong năm 2022, từ các hành vi thao túng giá chứng khoán, sai phạm trong phát hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bị khởi tố, điều tra, đơn cử như các vụ việc ở các tập đoàn lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,… có lẽ sẽ không còn ảnh hưởng lớn lên TTCK trong năm nay.
Cuối cùng, các chính sách mở rộng tài khóa của Chính phủ, đẩy mạnh đầu tư công để san sẻ áp lực cho chính sách tiền tệ, không chỉ hỗ trợ cho tăng trưởng vì có tính lan tỏa cao trong nền kinh tế, mà còn có thể tác động tích cực lên thị trường chứng khoán vì một số nhóm ngành, doanh nghiệp cũng sẽ hưởng lợi.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, TBKTSG)