Nhiều doanh nghiệp bất động sản đều đã trải qua một trận “cuồng phong”, ảnh hưởng đến mọi hoạt động của doanh nghiệp. Thị trường có những điều kiện khách quan khác nhau và hiện tại, nền kinh tế chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên ngoài như đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới…, nên lĩnh vực bất động sản khó tránh những tác động không mong đợi.
Trong giai đoạn 2011-2013, lãi vay mua nhà nhiều thời điểm lên đến 20-25%/năm, cao hơn nhiều so với hiện tại, cộng thêm các cơ quan chức năng đã có kinh nghiệm từ thực tế quản lý, điều hành chính sách tiền tệ nên mức lãi suất cho vay thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục ổn định, từ đó hỗ trợ cho người mua nhà nói riêng, thị trường địa ốc nói chung.
Về dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có nhiều dư địa phát triển. Chẳng hạn, những lợi thế có được từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã và đang thu hút được dòng vốn ngoại, tạo động lực cho các phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng hay căn hộ dịch vụ phát triển.
Hay như việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế, lượng du khách nước ngoài dần đông đảo trở lại… tạo động lực lớn cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Với phân khúc nhà ở, với cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao, đặc biệt tại những đô thị lớn… cũng là những trợ lực mạnh mẽ.
Những khó khăn, thách thức thời gian qua đã đặt các doanh nghiệp trước một ngã ba đường: Thay đổi để tiến lên, bứt phá tạo khoảng cách với đối thủ, hay trở về vị trí đằng sau vạch xuất phát, thậm chí là bị đào thải? Thực tế, có nhiều doanh nghiệp xem đây là cơ hội để tái cơ cấu toàn diện, thích ứng với bối cảnh mới, nhưng cũng có doanh nghiệp tìm cách “đối phó” với mục đích giảm thiểu thiệt hại để tồn tại, chờ thị trường tươi sáng hơn.
“Tôi vẫn nói đùa với các đối tác rằng, đây là thời điểm chúng ta nên tập làm toán chứ đừng làm văn nữa, bởi lúc này than vãn, kể khổ sẽ không giải quyết được vấn đề, thay vào đó là nên ngồi lại với nhau tính toán giá bán, chính sách bán hàng, chi phí cho các bên để cùng nhau vượt qua thử thách”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group nói, đồng thời chia sẻ thêm, dù ngắn hạn còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nếu nỗ lực vượt qua, triển vọng của bất động sản là tươi sáng.
Có quá nhiều khó khăn trong năm qua, Ban lãnh đạo Công ty tìm đủ mọi cách để gồng gánh mà vẫn không tránh được tình trạng ‘cắt máu’ khi đầu quý IV/2022 buộc phải cắt giảm 30% nhân sự, giảm 20% lương nhân viên để tiết giảm chi phí, cố bám trụ với thị trường…”. Đó là lời bộc bạch của ông T.H.P, Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc lớn khi nhìn lại năm 2022.
Thực tế, dù không diễn ra trên diện rộng, nhưng việc cắt giảm thu nhập, nhân sự diễn ra ở cả những tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn lẫn vừa và nhỏ. Áp lực phải có dự án mới để bán, dòng tiền để vận hành, duy trì tiến độ dự án… ngày càng đè nặng lên doanh nghiệp khi thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực tái cơ cấu, thậm chí là “cắt máu” để tồn tại.
So với các thị trường phát triển trên thế giới, thị trường bất động sản Việt Nam còn non trẻ và sự phát triển nóng trong hơn 10 qua khiến nhiều doanh nghiệp để lộ những lỗ hổng lớn trong quản trị như thiếu bài bản trong xây dựng chiến lược kinh doanh, nguồn lực tài chính mỏng, hệ thống quản lý lạc hậu…
Khi đối mặt với cú sốc lớn trong năm 2022, doanh nghiệp không còn nguồn lực dự trữ… cũng là lúc nhận ra nhiều hơn những vấn đề nội tại để tiến hành tái cấu trúc một cách toàn diện.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán)