Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ khẳng định, Chính phủ nhận định tình hình thế giới tháng 1 tiếp tục phức tạp, khó lường. Ở trong nước, tháng vừa qua cũng diễn ra nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng.
Ngoài điểm các thành tựu kinh tế tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Sơn nêu chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, phải điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, lãnh đạo Chính phủ đặc biệt yêu cầu cần có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp.
“Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế”, Bộ trưởng thông tin.
Về kiểm soát lạm phát, cần chú trọng nhóm trong “rổ hàng” tác động lớn đến lạm phát, như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng; điều hành thận trọng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.
Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.
Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Về bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật (tăng cường chuyển đổi số kết hợp dữ liệu dân cư để sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống).
Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng KTXH quan trọng, chiến lược. Tiếp tục đề xuất các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Khẩn trương hoàn thành kế hoạch và hướng dẫn sử dụng tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2022, ngoài phần dành cho tăng lương và các vấn đề đột xuất, bất ngờ, cần tập trung cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa…
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, công dân số, kinh tế số; sớm hoàn thành xây dựng, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia và báo cáo Chính phủ về chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Trả lời câu hỏi về tiến độ điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu” và vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đã khởi tố 41 bị can, phong tỏa kê biên 80 tỷ đồng, còn với vụ án Việt Á, đã khởi tố 104 bị can, phong tỏa, kê biên 1.700 tỷ đồng. “Tháng trước, tôi nói Bộ Công an phấn đấu kết thúc điều tra trong quý I/2023. Tuy nhiên, án tại hồ sơ nên về cơ bản mục tiêu đề ra như thế, nhưng không loại trừ khả năng có thêm tình tiết mới”, ông Xô nói.
Ông Xô cho biết, công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can, với tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác và sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật. “Đây là vụ án tham nhũng có hệ thống, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo phòng kiểm định xe cơ giới đến lãnh đạo nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội”, ông Xô nói.
Qua điều tra cho thấy một vài lãnh đạo phòng kiểm định, Cục Đăng kiểm nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, quý của một số trung tâm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, và bỏ qua lỗi vi phạm trong kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt cấp mã đăng kiểm; thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định… “Từ khi khởi tố vụ án đến nay, cơ quan công an chưa hề ra quyết định nào, văn bản tố tụng nào về dừng, tạm dừng, đình chỉ hoạt động các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Quá trình tố tụng hoàn toàn đúng luật, chỉ thu giữ tài liệu, vật chứng liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của đối tượng”, ông Xô nói.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Dân Việt)