Thị trường bất động sản đang được bao phủ màu xám xịt, tuy nhiên, với những nhà đầu tư có tiền mặt và nhiều kinh nghiệm lại nhìn thấy cơ hội mua bất động sản trong thời gian này.
Không chỉ có cơ hội mua bất động sản với giá hời, ở giai đoạn thị trường đang thanh lọc này, khách hàng sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm giá trị thật từ các chủ đầu tư uy tín.
Sau Tết Nguyên đán, các chủ đầu tư thường “tung ra” hàng loạt chính sách khuyến mãi cho khách hàng nhằm kích cầu mua sắm nhà ở. Các chủ đầu tư thường dồn dập thực hiện khuyến mãi dịp này là bởi đầu năm mới họ luôn muốn thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản để có những khởi đầu tốt trong năm mới.
Nhiều chuyên gia cho rằng cho rằng nếu có điều kiện tài chính tốt thì mọi người có thể mua bất động sản vào bất cứ thời gian nào trong năm. Trong đó, thời điểm như tháng Chạp, tháng Giêng hay tháng 7 âm lịch, khi thị trường bất động sản trầm lắng, giá nhà đất giảm và chủ đầu tư thực hiện nhiều chính sách khuyến mại lại chính là cơ hội tốt để mua bất động sản, đầu tư sinh lời. Do đó, nếu có ý định mua bất động sản trong năm nay và đã chuẩn bị một nguồn tài chính nhất định thì sau Tết Nguyên đán sẽ là thời điểm thích hợp để “xuống tiền” để mua bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển dự báo năm 2023 lãi suất có thể dần ổn định vào quý II cho nhóm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Về xuất khẩu, khả năng sẽ tiếp tục sụt giảm trong hai quý đầu năm, phục hồi từ quý III trở đi. Nền kinh tế nội địa về cơ bản cũng kỳ vọng sẽ ổn định hơn trong những tháng cuối năm nhờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đây là tiền đề hỗ trợ tâm lý cho thị trường đầu tư nói chung và đầu tư bất động sản nói riêng vào hai quý cuối năm.
Ông Hiển nhận định, trên nền cơ sở kinh tế vĩ mô có cơ hội cải thiện dần vào cuối năm, thị trường bất động sản có thể sẽ xuất hiện tín hiệu phục hồi nhẹ từ quý IV/2023, tập trung ở khu vực đô thị, quanh khu công nghiệp và hạ tầng tại các khu vực đang được đầu tư mạnh.
Triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 là biến số cần xem xét trước tiên khi quyết định đầu tư vào thị trường bất động sản. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, có 2 kịch bản về triển vọng kinh tế. Kịch bản thận trọng: tăng trưởng GDP đạt 6,47%, lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD.
Kịch bản tích cực: tăng trưởng GDP tăng 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD. Từ các kịch bản kinh tế cho thấy thị trường bất động sản vẫn ít nhiều đón nhận được lực đỡ tương đối ổn định từ chuyển biến vĩ mô khi càng về cuối năm.
Xét về thị trường vốn, khi Nghị quyết 01 mới ban hành có hiệu lực, thị trường chứng khoán đặc biệt là trái phiếu được kỳ vọng sẽ từng bước cải thiện. Tín dụng nhiều hy vọng được tháo gỡ khi kinh tế vĩ mô ổn định giúp cho các kênh huy động vốn chính của thị trường bất động sản sẽ được khơi thông. Từ đó niềm tin thị trường có khả năng phục hồi, dự án kỳ vọng được triển khai trở lại. Tuy nhiên, các tác động này không thể diễn ra ngay lập tức.
Xét về khung pháp lý, với dự thảo sửa đổi Luật Đất đai trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023 và một loạt các luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng… được sửa đổi toàn diện được dự đoán cởi mở hơn với việc tháo gỡ nguồn cung bất động sản. Điều này tạo tác động lớn thúc đẩy niềm tin để nhà đầu tư quay trở lại thị trường nhưng khó diễn ra trong năm 2022 mà cần thời gian dài hơn, trong 2-4 năm tới, tức điểm rơi trong giai đoạn 2024-2025.
Bệ đỡ từ nguồn cầu trong ngắn hạn vẫn còn gặp nhiều khó khăn thế nhưng dư địa tăng trưởng dài hạn của thị trường bất động sản Việt Nam luôn ở mức tiềm năng tích cực nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng liên tục được hoàn thiện và nhu cầu nhà ở vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung hạn chế. Điểm yếu chưa thể cải thiện nhanh trong 6 tháng tới là nguồn cầu có khả năng chi trả lúc này chưa sẵn sàng vì còn vướng tâm lý băn khoăn, phòng thủ, dẫn đến do dự khi ra quyết định mua bất động sản.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Vnexpress)