Ngày 13-1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ trong tháng 6. Bà kêu gọi các nhà lập pháp “hành động kịp thời” để tăng hoặc đình chỉ trần nợ, đài CNN đưa tin.
Trong một văn bản gửi cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen nói rằng Mỹ sẽ chạm giới hạn nợ vào ngày 19-1 và sau đó chính phủ cần phải thực hiện “các biện pháp đặc biệt”. Bà cho biết Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp đó, nhưng chúng sẽ chỉ có tác động trong một khoảng thời gian giới hạn.
việc Bộ Tài chính có thể tiếp tục “các biện pháp đặc biệt” trong bao lâu sẽ phụ thuộc một phần vào số tiền thuế năm 2022 mà chính phủ thu được vào mùa xuân này. Ngoài ra, lạm phát và lãi suất đã tăng nhanh hơn so với ước tính của một số chuyên gia vào năm ngoái. Các chính sách mới, bao gồm chương trình xóa nợ cho sinh viên có khả năng rút ngắn thời gian “cầm cự” của Bộ.
Bà viết: “Việc không đáp ứng các nghĩa vụ của chính phủ sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế Mỹ, sinh kế của tất cả người Mỹ và sự ổn định tài chính toàn cầu”.
Giới hạn nợ là mức tối đa mà chính phủ liên bang được phép vay. Giới hạn này được đặt ra để kiểm soát các khoản vay của chính phủ. Trước đây, quốc hội Mỹ đã nâng giới hạn nợ để tránh tình trạng vỡ nợ nước này – một điều mà các nhà kinh tế nhiều lần cảnh báo sẽ dẫn đến một cuộc “tận thế tài chính”.
Lần gấn nhất Mỹ nâng trần nợ là vào tháng 12- 2021, lên mức 31,4 nghìn tỉ USD.
Các biện pháp trước mắt bao gồm tính toán lại quỹ dành cho người đã về hưu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết những động thái này sẽ không làm ảnh hưởng khả năng tiếp cận tiền tiết kiệm của người về hưu.
Bà Yellen viết: “Số tiền này sẽ được giải ngân toàn bộ sau khi tình trạng bế tắc được giải quyết”.
Theo giới phân tích, văn bản của bà Yellen gửi đến chủ tịch Hạ viện một lần nữa nhấn mạnh giới hạn trần nợ là một vấn đề mà quốc hội sớm phải giải quyết.
Xử lý trần nợ sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với quốc hội, nhất là khi đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện.
Theo các chuyên gia, khả năng cao ở quốc hội sẽ nổ ra một cuộc tranh cãi giữa các đảng viên bảo thủ phe Cộng hòa – những người muốn cắt giảm chi tiêu với các đảng viên Dân chủ – vốn phản đối quyết liệt bất kỳ sự cắt giảm nào.
Hơn nữa, các cuộc đàm phán về trần nợ có thể sẽ gắn liền với gói chi tiêu liên bang cho năm tài chính 2024 mà quốc hội phải thông qua trước ngày 1-10. Nếu không, chính phủ có nguy cơ phải đóng cửa.
Ngày 13-1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Nhà Trắng sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ hay đàm phán nào về việc nâng trần nợ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm nay các quốc gia trên thế giới phải đối mặt áp lực lạm phát lớn. Tình hình có thể tồi tệ hơn tại các nền kinh tế đang phát triển, nơi lạm phát được dự báo bình quân là 9,9% trong năm nay. Còn ở các nước phát triển, con số này là 7,2%.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, IMF đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát của mình – thêm 3,3 điểm phần trăm đối với các nước phát triển và 4 điểm phần trăm với các nước đang phát triển.
Kể cả trước khi chiến tranh ở Ukraine gây gián đoạn nguồn cung năng lượng và thực phẩm, dự báo về lạm phát đã ở mức tương đối cao bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đã ở trạng thái căng thẳng. Nhu cầu hàng hóa tăng lên sau khi kết thúc các đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19 đã khiến lạm phát tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ sau Đại suy thoái những năm 2008-2009.
Theo các nhà phân tích, với các nền kinh tế đang phát triển đang trải qua thời kỳ tăng trưởng cao, lạm phát tại đây nhìn chung cao hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lạm phát không ảnh hưởng nặng nề tới các nước phi công nghiệp nếu điều này xảy ra giữa lúc nền kinh tế của họ đang gặp khó khăn.
Với những quốc gia đang trải qua xung đột, biến động hoặc gặp các vấn đề kinh tế lớn, lạm phát năm nay được dự báo sẽ ở mức cao hơn nhiều so với bình quân 8,8% toàn cầu. Các nước này bao gồm Venezuela, Sudan, Zimbabwe, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.
95 quốc gia – gồm cả nước phát triển và đang phát triển – được dự báo sẽ có mức lạm phát từ 5-10%. Trong khi đó, khoảng 80 nước được dự báo có lạm phát ở mức 5% trở xuống và Việt Nam năm trong nhóm này. IMF dự báo lạm phát của Việt Nam là 3,7% trong năm 2022 và tăng lên 3,9% vào năm sau. Từ năm 2024, tỷ lệ này giảm xuống khoảng 3,5%.
Tổng Hợp
(Plo, VnE)