Tín dụng bất động sản là chủ đề nóng và được dư luận quan tâm trong năm 2022. Đây cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua. Ngành ngân hàng sẽ có giải pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc…
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng, các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua huy động vốn nhiều từ kênh trái phiếu thì lúc đó áp lực vốn tín dụng đối với hệ thống ngân hàng giảm bớt. Tuy nhiên, khi thị trường vốn có những vấn đề khó khăn hơn, lúc này dồn tất cả vào thị trường tiền tệ là không hợp lý. Vì bản chất thị trường tiền tệ chỉ cho vay bổ sung vốn và huy động vốn ngắn hạn thì không thể cho vay dài hạn được.
“Xảy ra bong bóng bất động sản là do có hiện tượng không phải mua nhà để ở mà mua nhà để tích luỹ, để đầu cơ, dẫn tới việc đẩy giá lên. Tại sao lại có những người mua cả toà nhà, mua nửa toà nhà? Mua nhiều như vậy để đẩy giá lên và chỉ cần thị trường đóng băng thì toàn bộ những khoản nợ đấy nếu ngân hàng cho vay sẽ rủi ro rất lớn”, ông Hùng đặt vấn đề.
Do đó, theo vị này, ngân hàng đã xếp lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực rủi ro, khi cho vay phải xem xét rất thận trọng. Dự án phải đảm bảo tính pháp lý, đầy đủ pháp lý thì đảm bảo tiếp cận được vốn tín dụng. Người dân có nhu cầu tiếp cận vốn mua nhà ở thì gần như tất cả đều tiếp cận được để mua nhà. Còn với những dự án vừa tiếp cận vốn vừa vướng thủ tục pháp lý thì ngân hàng không khuyến khích.
Ngoài ra, vấn đề đặt ra là tỷ lệ cho vay ngắn hạn và cho vay trung dài hạn sẽ dần theo thông lệ quốc tế, đến tháng 10/2023 đưa về 30% phù hợp với thực tiễn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng.
Cuối cùng, theo ông Hùng, không phải các ngân hàng không cho vay mà tất cả các ngân hàng đều quan tâm đến những dự án đầy đủ tính pháp lý, đầu vào đầu ra hợp lý. Các tổ chức tín dụng cũng đã đặt vấn đề, giá sản phẩm bất động sản có hợp lý để đưa ra tính hiệu quả dự án hay không? Giá bán quá cao thì sao tiếp cận được vốn. Giá cao như vậy ngân hàng có dám cho vay khi không có dòng tiền không?
Đại diện VNBA cho biết, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã triệu tập các tổ chức tín dụng để bàn bạc và ra Tết sẽ gặp các doanh nghiệp bất động sản để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
“Song, muốn bàn về các giải pháp tháo gỡ, các Hiệp hội liên quan đến bất động sản và cả các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được giải pháp của chính các doanh nghiệp. Nghĩa là các doanh nghiệp tự có giải pháp cho mình, từ đó mới có kiến nghị đối với Chính phủ và ngành ngân hàng.
Không thể chỉ nêu thực trạng là hiện nay doanh nghiệp tôi có 10 dự án nhưng chỉ có 2 dự án đầy đủ pháp lý đã bán hết hàng, còn 8 dự án đang hoàn thiện pháp lý và vốn nằm ở đấy. Vậy thì Ngân hàng cho vay thế nào? Với 8 dự án chưa đầy đủ pháp lý thì liệu phát hành trái phiếu có đảm bảo được không?”, ông đặt vấn đề.
Ông Hùng nhấn mạnh, ngành ngân hàng sẽ có giải pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nhưng sẽ chỉ tháo gỡ cho những dự án đã đầy đủ tính pháp lý và có hiệu quả, có giá bán hợp lý, đồng thời sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân.
“Các ngân hàng đã rà soát và đã nắm được những doanh nghiệp nào đầu tư dự án nhiều, những doanh nghiệp nào đầu tư ít. Vấn đề ở đây vướng mắc là gì, các tổ chức tín dụng có muốn cho vay tiếp không? Những dự án đã cho vay, ngân hàng rất muốn cho vay tiếp để hoàn thiện để thị trường bất động sản được khơi thông để dòng vốn được luân chuyển và có thể thu hồi được nợ,…”, ông nói.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nêu quan điểm: “Trong 10 dự án nói trên, nếu chỉ có 2 dự án có pháp lý còn 8 dự án chưa có pháp lý nhưng tại sao ngân hàng vẫn cho vay cả 10 dự án? Chứ không phải đến bây giờ mới nói là 8 dự án này xin vay thêm mà không được vay. Luật Các tổ chức tín dụng quy định rất rõ trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc xét duyệt để đủ điều kiện cho vay”.
Ông Châu cho rằng, lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là điều không bàn cãi. Nhưng có trường hợp người mua nhà sau khi ký hợp đồng rồi nhưng cuối năm 2022 vừa qua bị ngân hàng dừng không được giải ngân tiếp, đây đâu phải lỗi của người vay. Lúc đó là do trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại đã hết.
Từ tháng 7/2022, HoREA đã đề nghị xem xét nới room, nếu nới room sớm hơn một chút (cuối quý III – đầu quý IV/2022) thì dòng vốn đã đưa vào nền kinh tế tốt hơn. Sang tháng 12 NHNN mới có quyết định nới room với số vốn tương đương khoảng 240.000 tỷ đồng thì lúc này nền kinh tế không hấp thụ nổi, ông Châu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo số liệu của NHNN, tính đến hết 31/12/2022, mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ước đạt 14,5%. Điều đó có nghĩa là còn khoảng 1,5 – 2% mà trần tín dụng được nới room chưa được đưa vào nền kinh tế.
Tổng Hợp
(Doanh Nghiệp và Kinh Doanh)