Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ sẽ ưu tiên cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản…
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký, ban hành Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Theo đó, Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, Chính phủ yêu cầu chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.
Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, bảo đảm phát triển công khai, minh bạch, an toàn, ổn định, lành mạnh, bền vững.
Triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi.
Tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, rà soát xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, cho vay không đúng quy định của pháp luật.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xử lý 6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả đã được Bộ Chính trị cho chủ trương.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, lựa chọn các chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở các thành phố, khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại để việc cho vay, giải ngân phải nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Bước sang năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công sẽ được tập trung và đẩy mạnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, từ đầu năm nay (2023) vốn đầu tư công cần giải ngân là rất lớn nên hoạt động đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công chắc chắn sẽ sớm được thực hiện.
Bởi theo ông Thịnh, nếu không đẩy mạnh và làm sớm thì kế hoạch sẽ lại chậm trễ như năm 2022 và các năm trước. Trong khi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Hơn nữa trong năm 2023, số vốn đầu tư công đưa ra cũng khá cao. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
“Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế năm 2023, cần tiếp tục cải cách thể chế để giải ngân vốn đầu tư công được tốt hơn, đúng kế hoạch chứ không phải dồn vào cuối năm, cần giải ngân đều, nhanh trong 4 quý của năm để tăng hiệu quả hấp thụ của nền kinh tế. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Lao Động)