Đánh giá về thách thức mà thị trường địa ốc đã phải đối mặt trong năm qua và có thể tiếp tục gặp khó trong năm tới, TS. Lê Sĩ Trí (Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM) nhận định, dẫu vậy, bất động sản vẫn xuất hiện tín hiệu tích cực.
Theo TS. Lê Sĩ Trí, ngay từ thời điểm cuối năm, thị trường đón thông tin tích cực như Công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Thủ tướng Chính phủ, hay việc nới room tín dụng 1,5 – 2% của Ngân hàng Nhà nước cũng như đề xuất của Bộ Tài chính sửa Nghị định 65 (giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm; cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu).
Về bối cảnh kinh tế vĩ mô, TS. Trí cho rằng, 2023, Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát. Thị trường địa ốc, nhất là các dự án đang dang dở đã nhận được tín hiệu “giải cứu” cơn khát vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, người mua nhà sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng, vòng quay của thị trường sẽ dần tái khởi động lại.
Cũng theo vị này, một điểm sáng khác đó là Nghị định 65 sửa đổi. Đây là thời gian vàng dành cho các doanh nghiệp bất động sản khi được tạo điều kiện lùi thời hạn tất toán trái phiếu trong 1 năm.
Là một người nghiên cứu theo sát thị trường, TS. Cấn Văn Lực nhận định, có rất nhiều cơ sở để cho rằng, bất động sản sẽ phục hồi vào năm tới.
Đầu tiên, theo ông Lực, sang năm 2023, vướng mắc về pháp lý, về vốn, cũng như rủi ro hệ thống thị trường bất động sản và tài chính, đặc biệt việc tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ.
Về phía doanh nghiệp địa ốc, TS. Lực khuyến nghị, các chủ thể này rà soát kế hoạch kinh doanh – sản xuất, mô hình quản trị trong đó cần cơ cấu và kiểm soát rủi ro dòng tiền… Các doanh nghiệp địa ốc chủ động tiếp cận chương trình nhà ở xã hội, nhà công nhân và chung cư cũ.
Một vấn đề khác mà TS. Lực nhấn mạnh, doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng hoá nguồn vốn, tái cơ cấu dịch vụ, sản phẩm để chuẩn bị dòng tiền xử lý trái phiếu đáo hạn giai đoạn 2023-2024.
Trên góc độ Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, hiện nay, các vướng mắc pháp luật đang trong quá trình tháo gỡ và hoàn thiện. Đặc biệt, Chính Phủ và Quốc hội đã có nhiều giải pháp rất tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; dự thảo sửa đổi NĐ 65/2022/NĐ-CP của chính phủ, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 21/12/202 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng mở hơn, lộ trình phù hợp hơn; Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở… Thông tin này sẽ vực dậy niềm tin cho nhà đầu tư.
Đánh giá về nhu cầu thị trường, ông Đính lạc quan cho rằng, nhu cầu về nhà ở luôn tăng đặc biệt ở các đô thị lớn. Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị và đây là cơ hội để doanh nghiệp phát triển dự án phù hợp với nhu cầu ở thực.
Liên quan đến vấn đề tài chính, theo TS. Đính, doanh nghiệp địa ốc đang được gỡ vướng khi Bộ Tài chính đã ban hành nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, làm cơ sở để các doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu.
Một trong tín hiệu khả quan mà ông Đính đánh giá sẽ là động lực tốt cho thị trường, đó là hoạt động đầu tư công. Tính đến cuối năm 2022, có 12 Bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80%, thậm chí có nơi đã giải ngân đạt đến 100%. Chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó nhóm dự án hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng. dịch vụ, văn phòng đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp trong xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia của thế giới.
Trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2022, tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm và kém hiệu quả. Ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương – cho hay năm 2017, đầu tư công giải ngân đạt 73%, đến năm 2018 giảm xuống 66%, năm 2019 tăng lên là 67%, năm 2020 là 82%, sang năm 2021 lại giảm xuống 72% và đặc biệt 11 tháng năm 2022 mới đạt trên 53,8%.
Bước sang năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công sẽ được tập trung và đẩy mạnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, từ đầu năm nay (2023) vốn đầu tư công cần giải ngân là rất lớn nên hoạt động đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công chắc chắn sẽ sớm được thực hiện.
Bởi theo ông Thịnh, nếu không đẩy mạnh và làm sớm thì kế hoạch sẽ lại chậm trễ như năm 2022 và các năm trước. Trong khi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Hơn nữa trong năm 2023, số vốn đầu tư công đưa ra cũng khá cao. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
“Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế năm 2023, cần tiếp tục cải cách thể chế để giải ngân vốn đầu tư công được tốt hơn, đúng kế hoạch chứ không phải dồn vào cuối năm, cần giải ngân đều, nhanh trong 4 quý của năm để tăng hiệu quả hấp thụ của nền kinh tế. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Đáng chú ý đối với thị trường địa ốc, đầu tư công được ví như “tham số” có tác động lớn đến diễn biến của kênh đầu tư này.
Một ví dụ là khi đầu tư công được đẩy mạnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được chú trọng triển khai, thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư, thanh khoản sản phẩm tốt, giá bất động sản tăng lên.
Và ngược lại, khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng nhất định.
Tổng Hợp
(Lao Động, Nhịp Sống Thị Trường)