Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết qua công tác giám sát, cơ quan này nhận thấy có tình trạng tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cho vay nhưng kèm việc ép khách hàng mua bảo hiểm. Song song đó, có hoạt động giới thiệu, tư vấn khách hàng, nhà đầu tư gây nhầm lẫn giữa việc mua trái phiếu doanh nghiệp và gửi tiền tại tổ chức tín dụng. Cần có chuẩn mực về việc bán chéo sản phẩm qua ngân hàng.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng TPHCM tổ chức ngày 12/1, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết qua công tác giám sát, cơ quan này nhận thấy có tình trạng tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cho vay nhưng kèm việc ép khách hàng mua bảo hiểm. Song song đó, có hoạt động giới thiệu, tư vấn khách hàng, nhà đầu tư gây nhầm lẫn giữa việc mua trái phiếu doanh nghiệp và gửi tiền tại tổ chức tín dụng.
Hiện tượng bán chéo sản phẩm chưa tuân thủ chuẩn mực nói trên là một trong các nhóm vấn đề Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nhận diện thông qua công tác quản lý, giám sát.
Một số rủi ro khác bao gồm nợ nhóm 2, nợ xấu tiềm ẩn tăng nhanh; việc cho vay tại một số tổ chức tín dụng còn tập trung vào lĩnh vực rủi ro, nhạy cảm như đầu tư chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản với tính chất đầu cơ, chưa tuân thủ trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; có sự chênh lệch mất cân đối giữa huy động vốn và cho vay ở một số ngân hàng; tình hình lãi dự thu cao, thực hiện phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro chưa đúng quy định dẫn đến kết quả kinh doanh tuy cao nhưng ko phản ánh đúng, đủ chất lượng hoạt động.
Cũng tại hội nghị, ông Ngô Quang Trung – Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) – cho hay, việc cung cấp dịch vụ tài chính tích hợp hơn thông qua kênh ngân hàng là xu thế rõ ràng. Ông Trung đề xuất đã đến lúc cần có dự thảo về những chuẩn mực đạo đức khi cung cấp những loại dịch vụ này, hình thành khuôn khổ trách nhiệm cho những người trực tiếp bán hàng để quản lý tốt hơn.
Ông Võ Minh Tuấn – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM – cũng đồng quan điểm phải có chuẩn mực, quy định về các sản phẩm bán chéo qua kênh ngân hàng do bên thứ 3 cung cấp.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến việc tồn tại rủi ro như hệ lụy kéo dài của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay khiến nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, cũng có các nguyên nhân chủ quan như công tác quản trị, điều hành tại một số tổ chức tín dụng chưa được sát sao, kịp thời, công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ chưa phát huy hiệu quả; việc thẩm định, đánh giá phê duyệt cấp tín dụng chất lượng chưa cao, một số ít tổ chức tín dụng có biểu hiện cho vay khách hàng, nhóm khách hàng, người có liên quan, các công ty sân sau tiềm ẩn nhiều rủi ro; tổ chức tín dụng chưa xử lý khắc phục triệt để kiến nghị sau thanh tra; ý thức, tính tuân thủ pháp luật của một số cán bộ tại một số tổ chức tín dụng còn hạn chế, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đạo đức nghề nghiệp; một số khách hàng chưa tuân thủ quy định pháp luật, quy định của ngân hàng trong quan hệ vay vốn, cung cấp thông tin chưa trung thực chính xác.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết cần tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng phải thực hiện kết luận thanh tra một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Ông Dũng cho biết TPHCM hiện chiếm khoảng 25% tổng số lượng chi nhánh và 30% dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng trên cả nước. “Năm vừa qua, chúng ta có những kết quả vô cùng to lớn, nhưng ngược lại cũng đối mặt với thử thách có thể nói là lớn nhất là vụ việc SCB. Chúng ta đang từng bước vượt qua và khắc phục vấn đề này”, Phó Thống đốc nhìn nhận.
Ông Dũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và các tổ chức tín dụng cần đồng lòng, gắn kết vì sự phát triển hơn nữa của TPHCM nói chung cũng như ngành ngân hàng tại thành phố nói riêng. Ông nhắc lại hiện tượng khi xảy ra sự cố SCB, một số cán bộ nhân viên ngân hàng khác đã câu kéo khách hàng gửi tiền. Đây là hiện tượng có tính chất cá biệt, đã được phát hiện và chấn chỉnh.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong muốn câu chuyện này không lặp lại. Các tổ chức tín dụng cần giữ kỷ cương, đoàn kết, hỗ trợ nhau vì một thị trường cùng phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, tín dụng của hệ thống ngân hàng tại thành phố năm 2022 tăng trưởng 14%, mức cao nhất trong 3 năm gần nhất (năm 2019 tăng 13,7%, năm 2020 tăng 10,4%, năm 2021 tăng 11,9%). Tỷ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động của ngành ngân hàng tại TPHCM đạt xấp xỉ 100%.
Tổng Hợp
(Dân Trí)