Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Một số khu vực thanh khoản gần như đã rơi vào tình trạng “đóng băng”. Trên thị trường bất động sản đang tràn lan các sản phẩm bất động sản giảm giá, cắt lỗ nhưng người bán vẫn chật vật tìm khách mua suốt một thời gian dài.
Năm 2022, thị trường bất động sản chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt các giao dịch của phân khúc đất nền ở ven đô, càng về cuối năm phân khúc này càng nguội lạnh và dần “đóng băng”. Bước sang năm 2023, vẫn chưa có tín hiệu sáng.
Từ khoảng đầu quý II/2022, sau các lệnh siết phân lô tách thửa, kiểm soát tín dụng vào bất động sản, thị trường đất nền ven đô đã có sự chững lại. Đáng chú ý, giá đất nền ven đô từ tách thửa phân lô đang có xu hướng giảm mạnh. Trước đó, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, giá giao dịch thứ cấp nhà riêng lẻ và đất nền trong quý III vừa qua đã có xu hướng giảm nhẹ khoảng 2 – 3% so với quý trước đó. Bên cạnh đó, lượng giao dịch đất nền cũng sụt giảm mạnh trên cả nước, chỉ bằng khoảng 54% so với quý II cùng năm.
Thời điểm trước, đất nền ven đô phân lô tách thửa có giá dao động từ 18 – 25 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay, nhiều người đang ồ ạt “cắt lỗ”, giảm giá chỉ còn khoảng 12 – 15 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, có những trường hợp chỉ là chiêu trò để thu hút khách hàng, thực ra giá cũng chỉ giảm xuống một phần so với giá tại thời điểm có những cơn sốt nóng mà thôi.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đầu năm 2022, dòng tiền dễ đổ vào thị trường, số lượng các nhà đầu tư F0 tăng mạnh, nhu cầu, nguồn cung hiếm đẩy giá bán lên cao. Lực cầu nhà đầu tư mới hướng tới các phân khúc cao cấp, biệt thự, villa, shophouse ở các dự án mới phát triển. Song, cuối năm 2022, thị trường bất động sản xuất hiện làn sóng cắt lỗ bởi ảnh hưởng từ các chính sách tài khóa và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.
Ông Trần Quang Thắng – một môi giới bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội chia sẻ, thị trường hiện tại không còn cảnh “sốt nóng”, giao dịch ồ ạt như khoảng cuối năm 2021, đầu năm 2022. Hiện nay, thị trường đã xuất hiện những nghịch lý, không ít chủ đất chấp nhận giảm giá rất sâu do thanh khoản sụt giảm bởi tâm lý e ngại của nhà đầu tư.
Nhìn nhận về thực trạng này, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, những động thái quyết liệt của Chính phủ sẽ giúp thị trường sớm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và người mua. Đồng thời, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực để hồi phục trong năm 2023.
Khảo sát mới đây của trang thông tin Batdongsan.com.vn cho thấy, càng nắm giữ nhiều bất động sản, xu hướng muốn mua thêm nhà, đất của người tiêu dùng càng tăng. Tỷ lệ người dự định mua bất động sản trong năm 2023 là: 46% với đối tượng chưa có bất động sản nào; 79% với những người đang sở hữu 2 bất động sản; 87% những người đã có trên 3 sản phẩm địa ốc.
Nguyên nhân dẫn tới tâm lý e ngại của các nhà đầu tư thời điểm này, theo ông Thắng, là lãi suất neo cao, giá bất động sản có nhiều hướng đi xuống. Những nhà đầu tư có sẵn tiền mặt sợ rằng, nếu mua ngày hôm nay, ngày mai giá có thể sẽ còn giảm thêm.
Đa số người mua sẽ lựa chọn bất động sản quanh khu vực sinh sống, chỉ một bộ phận nhỏ có xu hướng “đánh bắt xa bờ”. Khẩu vị đầu tư của người ở các vùng miền khác nhau có sự khác biệt.
Trong khi vẫn có 16% người sống ở Hà Nội dự định mua bất động sản ở TPHCM, Đà Nẵng hoặc các tỉnh miền Trung, nhưng chỉ 7% người ở TPHCM muốn mua bất động sản thuộc các tỉnh ngoài miền Nam.
Đáng chú ý, dữ liệu từ Batdongsan.com.vn phản ánh, sự dịch chuyển rõ rệt về mối quan tâm đối với loại hình bất động sản sơ cấp và thứ cấp. Nửa cuối năm 2022, tỷ lệ mong muốn mua bất động sản sơ cấp và thứ cấp là tương đương nhau. Tuy nhiên sang đến đầu năm nay, cán cân đã lệch, 60% người tham gia khảo sát cho biết, họ sẽ mua bất động sản sơ cấp, tỷ lệ người muốn mua bất động sản thứ cấp chỉ còn 37%.
Tổng Hợp
(Reatimes, Dân Trí)