Dịp sát Tết Nguyên đán thường là thời điểm các nhà đầu tư chọn lựa để mua vào bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản “nhộn nhịp” giai đoạn này. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng, các nhà đầu tư đang thắt chặt hầu bao, cân nhắc kỹ hơn trước khi xuống tiền, kể cả khi giá bất động sản nhiều khu vực đang giảm mạnh.
Nhiều chủ văn phòng giao dịch bất động sản cho biết sau thời gian thị trường bất động sản diễn biến sôi động, đến nay không ít nhà đầu tư chấp nhận giảm giá rất sâu nhưng không thể bán được suốt một thời gian dài. Nguyên nhân do tâm lý e ngại xuất hiện trên thị trường bất động sản khiến thanh khoản sụt giảm mạnh.
Nguyên nhân dẫn tới sự e ngại của các nhà đầu tư thời điểm này là lãi suất tăng cao, giá bất động sản có chiều hướng đi xuống. Những nhà đầu tư có sẵn tiền mặt sợ rằng, nếu mua ngày hôm nay, ngày mai giá có thể sẽ còn giảm thêm. Ngoài ra, một số khác gặp khó khăn khi không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, tâm lý nhà đầu tư là khi thấy thị trường bất động sản đi lên, sợ bị mất cơ hội nên phải mua vào bằng được. Còn khi thị trường bất động sản đi xuống và nhìn nhận tương lai không sáng sủa, họ lại muốn bảo toàn, bán ra càng sớm càng tốt. Điều này đã dẫn đến việc thanh khoản trên toàn thị trường giảm mạnh.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản đang tràn lan các sản phẩm bất động sản giảm giá, cắt lỗ nhưng người bán vẫn chật vật tìm khách mua suốt một thời gian dài.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đầu năm 2022, dòng tiền dễ đổ vào thị trường bất động sản khiến số lượng các nhà đầu tư F0 tăng mạnh, nhu cầu, nguồn cung hiếm đẩy giá bán lên cao. Lực cầu F0 hướng tới các phân khúc cao cấp, biệt thự, villa, shophouse ở các dự án mới phát triển. Tuy nhiên, cuối năm 2022, thị trường bất động sản xuất hiện làn sóng “cắt lỗ” bởi ảnh hưởng từ các chính sách tài khóa và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.
Theo khảo sát, thời điểm quý II/2022, có khoảng 28% môi giới xác nhận việc mua bán bị sụt giảm mạnh và 45% cho biết giao dịch có sụt giảm nhưng không quá lớn. Bước sang quý III/2022, có đến hơn 43% tỷ lệ môi giới xác nhận giao dịch giảm mạnh (trên 50% lượng giao dịch) và quý IV/2022 đã có 62% môi giới xác nhận sự sụt giảm mạnh giao dịch.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, những động thái quyết liệt của Chính phủ sẽ giúp thị trường sớm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và người mua. Đồng thời, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực để hồi phục trong năm 2023. Do đó, nếu các chủ đầu tư dự án bất động sản ưu tiên đưa ra thị trường các sản phẩm ở vị trí tốt và chất lượng đảm bảo vẫn thu hút được khách hàng, phần nào góp gam màu sáng để đưa thị trường bất động sản phục hồi trở lại thời gian tới.
Có thể thấy, những BĐS chào bán giảm giá ở giai đoạn này rơi vào các trường hợp “bất đắc dĩ”. Tâm lý giữ hàng, chờ lên giá vẫn chiếm số đông. Tuy vậy, khó khăn tài chính khiến nhiều người đành rao bán hạ giá vốn. Họ tìm cách ra hàng nhưng gần như không chấp nhận việc giảm giá sâu. Điều này đến từ tâm lý “tiếc nuối” ở phía người bán.
Trong khi với người mua thì dè chừng và đợi giá BĐS giảm thêm. Đó cũng là lý do cung – cầu khó gặp nhau ở giai đoạn này, khiến thanh khoản BĐS sụt giảm.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và phát triển Tập đoàn DKRA, đất nền thứ cấp giá đã giảm 15 – 25% so với đầu năm 2022 (đối với đất lẻ trong dân). Đất nền dự án cũng giảm từ 8 – 15%. Tại các dự án căn hộ, giá bán trên thị trường thứ cấp đã giảm từ 10 – 15% so với đầu năm. Trường hợp cá biệt do kẹt tiền phải bán giảm sâu đến 30% để thu hồi vốn. Dù mức giá đã giảm khá mạnh, nhưng thanh khoản ở thị trường thứ cấp sụt giảm so với đầu năm.
Các tài sản “ngộp” xuất hiện ở giai đoạn này có thể là căn hộ dự án, đất nền vùng ven, nhà riêng… Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, dù rao bán cắt lỗ nhưng thực tế mới chỉ là “cắt lãi”. Lý do, nhiều người vẫn tiếc tài sản. Một số trường hợp chỉ rao bán “dạo” để định giá sản phẩm, hoàn toàn chưa muốn ra hàng ngay mặc dù đã thấm khó khăn.
Mới đây, một nhà đầu tư tại khu Đông Tp.HCM rao bán nền đất giảm 150 triệu so với mặt bằng chung của thị trường. Tuy nhiên, khi có khách đến “chốt” thì nhà đầu tư không muốn bán giá đã rao, vì cho rằng bị “hớ”, phần tiếc sản phẩm. Sau đó khoảng hơn một tuần, nhà đầu tư này lại chào mức giá khác, giảm 80 triệu đồng/nền.
Trong bối cảnh dòng tiền bị siết chặt như hiện nay, người có tiền nhàn rỗi có xu hướng chờ đợi cơ hội hoặc gửi ngân hàng hưởng lãi suất. Trong khi người có nhu cầu mua thực khó tiếp cận vốn vay. Điều này khiến trạng thái “chờ” ngày càng lộ rõ trên thị trường BĐS.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Nhịp Sống Thị Trường)