Thị trường bất động sản đã đi qua một năm nhiều khó khăn, biến động. Trong đó, một trong những vấn đề được các nhà đầu tư, doanh nghiệp, giới chuyên môn nhắc đến nhiều nhất đó là câu chuyện ách tắc vốn.
Thị trường có khả năng sẽ phục hồi dần dần từ quý IV/2023, nhưng sẽ phục hồi một cách từ từ chứ không có chuyện bùng phát trở lại. Bởi có rất nhiều vướng mắc hiện nay cần phải có thời gian mới xử lý được, tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cần thời gian để hồi phục.
Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2023 vẫn phải rất thận trong bối cảnh thị trường đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài khi kinh tế thế giới nhiều bất ổn. Trong nước, thị trường bất động sản không khủng hoảng mà chỉ là xấu đi do một số điểm nghẽn. Theo quan sát của vị này, các nhà đầu tư đang trực chờ cơ hội để xuống tiền. Nếu khó khăn vướng mắc được tháo gỡ thì thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng.
“Việc Chính phủ thành lập Tổ công tác cũng chính là đã nhìn thấy các vấn đề, điểm nghẽn trên thị trường bất động sản. Và nhiệm vụ của Tổ Công tác là phải tìm ra giải pháp để gỡ các điểm nghẽn, trong đó có điểm nghẽn về pháp lý và tín dụng. Nếu xử lý được các điểm nghẽn thì quý II/2023, dự báo các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn”, ông Đính nhận định.
Tại Hội thảo “Bắt mạch thị trường bất động sản năm 2023″ diễn ra mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, tổng nguồn vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản năm 2022 rất thấp, ước tính chỉ khoảng 507.000 tỷ đồng (riêng tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 71%), trong khi thông thường con số này lên tới 700.000 – 800.000 tỷ đồng.
“Thông tin vốn tín dụng ngân hàng chỉ chiếm 50 – 55% trong cơ cấu vốn của ngành bất động sản nhưng năm vừa qua, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp không phát triển được nên nhu cầu dồn qua hệ thống ngân hàng, nhất là vốn trung và dài hạn. Tín dụng bất động sản năm 2022 vẫn tăng 15%, nghĩa là không hề ít”, vị này cho hay.
Bất động sản – ngân hàng – chứng khoán là các thị trường thông nhau. Lãi suất dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong nửa đầu năm 2023 và áp lực sẽ dần được giải toả trong 6 tháng cuối năm. Thị trường vẫn thiếu tính thanh khoản trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khát vốn do kênh huy động từ trái phiếu đang bị tắc nghẽn.
“Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn khó khăn, thách thức trong giai đoạn này bao gồm thách thức về nguồn vốn, giá bán bất động sản đã tăng quá cao, sự biến động của nhân sự khi thị trường gặp khó. Những thông tin, biến động về các hoạt động điều tra, khởi tố nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ảnh hưởng lớn đến lượng quan tâm của người dùng với bất động sản trong thời gian vừa qua. Trong năm 2022, tất cả các đối tượng tham gia thị trường đều gặp khó khăn”, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn. Tình trạng này kéo dài khiến sức khoẻ thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp ngày càng suy giảm.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), năm 2022, thị trường BĐS tại TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung ghi nhận nhiều khó khăn khi sức mua, thanh khoản giảm mạnh, dòng tiền bị nghẽn, nguồn cung khan hiếm. Nhưng thiếu vốn không phải là vướng mắc lớn nhất của thị trường BĐS, mà pháp lý của dự án chính là điểm nghẽn lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án. Lỗ hổng quản lý cũng tạo cơ hội khiến một số cá nhân, tổ chức đầu cơ, gây nhiễu loạn thị trường.
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, tổng cung BĐS nhà ở 9 tháng năm 2022 đạt 41.886 sản phẩm, tương đương 77,9% so với năm 2021. Tỷ lệ hấp thụ trung bình chỉ đạt 43%. Riêng quý 3/2022, tỷ lệ hấp thụ giảm mạnh so với quý 1 và quý 2/2022, chỉ đạt 33,5%. Nguồn cung BĐS hiện cũng đang có xu hướng giảm rõ rệt. Hiện, phân khúc nhà ở đang khan hiếm nguồn cung ở cả thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) và thứ cấp (bán lại từ nhà đầu tư, người dân).
Số liệu của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, cả nước chỉ có khoảng 20.000 sản phẩm từ các dự án mới được đưa vào thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong quý 3/2022, nguồn cung cũng chưa có nhiều cải thiện do 2 – 3 năm qua, các địa phương rất thận trọng trong việc phê duyệt dự án đầu tư do lo ngại vướng mắc quy định pháp luật. Một nguyên nhân nữa kéo nguồn cung sụt giảm là khó khăn về dòng vốn. Theo đó, tín dụng cho BĐS và phát hành trái phiếu doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ. Doanh nghiệp thiếu vốn dẫn đến hoạt động đầu tư phát triển các dự án chậm lại.
Tổng Hợp
(Doanh Nghiệp và Kinh Doanh, Lao Động, Tài Nguyên và Môi Trường)