Các chuyên gia cũng kỳ vọng, tiền gửi khu vực dân cư hồi phục nhờ lãi suất huy động tăng, bong bóng đầu cơ đất đai xẹp, kênh đầu tư vàng, USD hạ nhiệt và thị trường tài sản (trái phiếu, cổ phiếu) giảm đi tính hấp dẫn do nhà đầu tư cân đối lại kỳ vọng lợi nhuận/rủi ro. Lãi suất huy động chờ cơ hội “đảo ngược” trong năm 2023?
Trên thị trường dân cư, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại được dự báo sẽ tiếp tục có sự phân hóa do cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân để giải quyết vấn đề thanh khoản; định hướng điều hành của NHNN trong việc điều hướng đà tăng lãi suất huy động tại các NHTM cổ phần Nhà nước và cạnh tranh thu hút tiền gửi trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi chấp nhận dịch chuyển đến nơi có lãi suất tiền gửi thấp hơn để hạn chế rủi ro sau sự kiện SCB.
Tính đến đầu tháng 12/2022, lãi suất huy động bình quân đã tăng từ 2-2,5 điểm % so với cuối năm 2021 và cao hơn 0,6-1,2 điểm % so với trước Covid-19.
Phân tích về những nhân tố căn bản xác định đường đi nước bước của lãi suất năm 2023, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, lãi suất bao giờ cũng gắn với lạm phát.
Ông Phước phân tích, bức tranh chung mà ta có thể nhìn thấy của đa số các quốc gia trên thế giới năm 2022 là lạm phát cao hơn lãi suất. Chênh lệch giữa lãi suất trừ (-) lạm phát gọi là lãi suất thực. Lãi suất thực của đồng tiền của các quốc gia phổ biến là âm.
Với Việt Nam, lãi suất thực của đồng Việt Nam là tương đối lớn. Đây có thể xem là một lợi thế trong kiểm soát lạm phát. Nhưng ở góc nhìn khác, lãi suất thực mà dương cao quá sẽ bất lợi cho nền kinh tế về lâu dài. Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang sử dụng các giải pháp để lãi suất thực thấp xuống.
“Theo tôi, đây là định hướng đúng vì bối cảnh chung là lạm phát thế giới đã đạt đỉnh. Chính sách tiền tệ các quốc gia cũng đang chuẩn bị, có thể vài ba quý nữa, cho một chu kỳ đảo ngược, đó là lãi suất thấp xuống”, ông Phước dự báo.
Dù có chung nhận định cho rằng, lãi suất huy động sẽ không còn “hot” như năm 2022, song theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế cho rằng mặt bằng lãi suất huy động sẽ khó có thể giảm nhưng sẽ không tăng.
Cơ sở đưa ra dự báo này là do, áp lực tăng lãi suất năm 2023 sẽ nhẹ nhàng hơn bởi áp lực lạm phát thế giới giảm bớt, nhiều quốc gia hiện đã qua đỉnh lạm phát. Ngân hàng trung ương các nước sẽ giảm dần mức độ tăng lãi suất, như vậy mức độ áp lực với việc điều hành tăng lãi suất của Việt Nam cũng sẽ thấp hơn.
Dưới góc độ điều hành, TS. Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước dự báo, sang năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn.
Bên cạnh đó, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến còn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm 2023 và có thể sẽ còn duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024. Điều này sẽ tác động tới xu hướng lãi suất của Việt Nam.
“Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng”, TS. Phạm Chí Quang cho biết.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng NHNN sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 trên cơ sở định hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023.
Cuộc cạnh tranh huy động vốn đầu vào gay gắt từ đầu quí 4 vừa qua đã kéo theo đợt nâng lãi suất cho vay mạnh mẽ ở các ngân hàng thương mại. Vào những tuần cuối của tháng 12, lãi suất huy động đã hạ nhiệt mang đến cơ hội giảm lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại.
Theo số liệu cập nhật mới đây, đến ngày 21-12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ. Như vậy hạn mức tín dụng vẫn còn nhiều.
Còn tại riêng tại TPHCM, tín dụng ước tăng 14% so với cuối năm 2021, tức ước riêng tháng 12 tăng đến gần 1,4 điểm phần trăm, với ước tính khoảng gần 70% chảy vào các lĩnh vực sản xuất.
Giữa tháng 12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phát động chương trình đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tiền gửi và cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng hội viên đồng thuận áp lãi suất huy động không quá 9,5%/năm tại tất cả kỳ hạn (đã bao gồm các khoản khuyến mại), đồng thời giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-2 điểm phần trăm tùy đối tượng và tập trung vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên.
Thông tin ngay sau đó cho thấy có khoảng 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng, mức lãi suất giảm 0,5-3 điểm phần trăm. Hiện nhiều ngân hàng đã giảm mức lãi suất huy động niêm yết, công bố các gói cho vay với lãi suất thấp hơn.
Bên cạnh việc công bố tăng hạn mức tín dụng hồi đầu tháng 12 lên thêm 1,5-2%, các biện pháp hành chính cũng được giới quản lý thực hiện. “Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này”, văn bản của Ngân hàng Nhà nước mới đây yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính và các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay.
Những động thái này cho thấy giới quản lý đang quyết liệt trong việc “dập tắt” kỳ vọng lãi suất tăng cao. Trước đó, mặt bằng lãi suất huy động trên 12 tháng thậm chí còn lên đến 11,5%/năm, có những khoản vay cá nhân được điều chỉnh lên gần 15%/năm theo đà tăng của lãi suất huy động.
Quyết liệt là thế nhưng khả năng đẩy vốn đến đâu và lãi suất ra sao vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Trong khi nhu cầu vốn cuối năm đang tăng cao theo mùa vụ, không phải người dân hay doanh nghiệp nào cũng có khả năng tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp hơn.
Một trong những lý do là vì sức khỏe tài chính và khẩu vị khác nhau ở các nhà băng, nên không phải ngân hàng nào cũng sẽ giảm như nhau. Mặt khác, các lãnh đạo cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại luôn khẳng định rằng sẽ không thể giảm chuẩn cho vay.
Tổng Hợp
(Dân Việt, VietStock)