Thực tế, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó, vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam đánh giá, trên bình diện của một nền kinh tế, việc nhà nước thắt chặt tín dụng và lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng đến tất cả ngành nghề, bao gồm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng,…. Thực tế, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó, vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm.
“Thị trường bất động sản muốn phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp. Trong năm 2023, về tính thanh khoản của thị trường, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản”, ông Khương nhận định.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khả năng thị trường bất động sản năm 2023 diễn biến theo hướng xấu nhiều hơn tốt. Nếu có những chính sách đặc thù hỗ trợ, thị trường bất động sản mới có diễn biến tích cực hơn.
Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam bày tỏ, thực tế hiện nay, pháp lý vẫn là vấn đề vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản khi triển khai các dự án.
“Những vướng mắc về pháp lý khi triển khai các dự án bất động sản chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thiếu thống nhất. Tuy nhiên, để gỡ điểm vướng này cần phải chờ đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 được thông qua, đồng thời một số luật liên quan cũng được bổ sung, hoàn thiện”, ông Đính nhận định.
Cùng nhận định, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng thị trường bất động sản năm 2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2022, do khó khăn nên nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản đang phải tinh giản bộ máy, giảm lao động, giảm lương… để duy trì, tồn tại.
“Năm 2023, nếu những khó khăn, thách thức về vướng mắc pháp lý, siết vốn, trái phiếu… tiếp diễn như thời gian qua sẽ tạo thời cơ cho các nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh thâu tóm các dự án tốt. Không loại trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia mua bán, sáp nhập dự án tốt, thương hiệu doanh nghiệp uy tín”, ông Châu nhận định.
Trước những biến động có phần tiêu cực cả về khách quan, lẫn chủ quan nhìn chung thị trường BĐS trong năm 2022 đã chứng kiến sự sa sút một cách trầm trọng, thiếu nguồn cung sản phẩm, giá bán tăng thêm khoảng 30% so với năm 2021. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, “bóng ma” khủng hoảng của 10 năm trước đã không quay trở lại.
Vào thời điểm cuối năm, khi thị trường đang ở thời điểm cam go nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, địa phương trong thực hiện dự án BĐS. Tiếp đó, lãi suất ngân hàng đối với khối DN có tăng nhưng đã được kìm lại ở mức 15 – 16%/năm, thấp hơn nhiều so với con số 25% cách đây 6 – 7 năm.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn ghi nhận những điểm sáng tích cực, đặc biệt là ở phân khúc BĐS khu công nghiệp. Thống kê từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam chỉ ra rằng, trong số 300 khu công nghiệp đang hoạt động, có đến 84 dự án, chiếm xấp xỉ 30% tỷ lệ lấp đầy 100%, còn lại trung bình khoảng 80%. Giá cho thuê tăng bình quân 10% so với năm 2021, trung bình từ 100 – 200 USD/m2/chu kỳ thuê.
Đáng chú ý, mặc dù thị trường vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực BĐS vẫn đứng top đầu trong các lĩnh vực, ngành nghề thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) năm 2022, vốn FDI vào lĩnh vực BĐS đạt 4,45 tỷ USD, tăng thêm 1,8 tỷ USD so với năm 2021, trở lại vị trí thứ 2 sau khi rơi xuống vị trí thứ 3 vào năm trước.
“Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới. Luồng tiền đến từ vốn nước ngoài có nhiều triển vọng gia tăng, là triển vọng đầy tích cực trước bối cảnh sa sút của thị trường, tạo tiền đề quan trọng cho sự phục hồi, tăng trưởng của lĩnh vực BĐS năm 2023 và những năm tiếp theo” – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, PGS. TS Trần Kim Chung nhận định.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Kinh Tế Đô Thị)