Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 cuối năm 2022. Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày hôm nay 03/01/2023 và kết thúc tháng 3/2023.
Yêu cầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra là việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm.
Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý.
“Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo” – nghị quyết nêu rõ.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.
Hình thức góp ý có thể trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Mục đích nhằm Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Cùng với đó tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai; Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết nêu rõ, nội dung lấy ý kiến Nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.
Trên cơ sở đó, Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về toàn văn Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm cũng như phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan đầu mối lấy ý kiến đối với các nhóm đối tượng cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực.
Một trong các nội dung trọng tâm, quan trọng cần lấy ý kiến quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chính phủ mong muốn nhận được ý kiến về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trong Dự Luật, đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (điều kiện, tiêu chí). Đồng thời quy định cụ thể hơn về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.
Về vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Chính phủ đề nghị cho ý kiến về các trường hợp và các tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá và có thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; trường hợp chủ đầu tư đang là người sử dụng đất hoặc thỏa thuận với người sử dụng đất nhưng phải chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; việc phân cấp thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác.
Về vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, nội dung lấy ý kiến nhân dân là thời kỳ ban hành bảng giá đất; các trường hợp áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định điều tiết nguồn thu từ đất.
Các quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; phát triển quỹ đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; quy định liên quan đến việc bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất…. cũng là những nội dung lớn Chính phủ mong muốn người dân cho ý kiến.
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư, Kinh Tế Đô Thị)