Năm 2022 đã khép lại với nhiều biến động lớn trong lĩnh vực ngân hàng. Dư địa chính sách tiền tệ giảm dần, giảm lãi suất phải là trọng tâm chính sách tiền tệ năm 2023…
Năm 2023, theo dự báo của TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn. Tuy vậy, dự báo Fed còn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm 2023 và duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024.
“Dù mức độ và tác động do Fed tăng lãi suất sẽ không còn dữ dội, nhanh, mạnh như năm 2022 nhưng mức độ tác động đến nền kinh tế còn dai dẳng trong năm 2023. Ngoài ra, trong nước, lạm phát lõi có dấu hiệu đáng quan ngại, mức tăng liên tục, mạnh khiến điều hành chính sách tiền tệ đối với 2023 không thể chủ quan”, TS. Quang nhận định.
Trong khi đó, nhận định về thách thức chính sách điều hành năm 2023, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn – Chính sách Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, với khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất, áp lực lãi suất và tỷ giá trong nước vẫn còn khá lớn. Trong khi đó, dư địa điều hành chính sách tiền tệ giảm dần do các công cụ đã được NHNN sử dụng gần hết, đặc biệt lãi suất điều hành đã tăng 2 lần với mức độ lớn.
Ngoài ra, thanh khoản ngân hàng không còn dồi dào, hệ số an toàn vốn (CAR) mỏng và nợ xấu có nguy cơ tăng cũng là những thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay, theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực.
TS. Lê Xuân Nghĩa lại cho rằng, áp lực lạm phát, tỷ giá toàn cầu năm 2023 sẽ giảm dần. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi mạnh hơn dự báo. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với nền kinh tế nước ta chính là các yếu tố nội tại.
Riêng với chính sách tiền tệ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thách thức lớn nhất năm tới chính là vấn đề lãi suất.
Mặc dù NHNN cho rằng, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, song TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất thực ở Việt Nam hiện nay đang quá cao.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 1 năm hiện nay khoảng 9,4%, nếu trừ đi lạm phát bình quân (3,15%) thì đang ở thực dương 6,25%. Còn lãi suất cho vay 1 năm hiện nay trung bình 12,5%, trừ đi lạm phát thì đang trên 9,3%, nếu cộng với biên độ biến động tỷ giá USD 3,81% thì đang dương 13%. Lãi suất thực (cho vay) trên 13%, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, là mức lãi suất cho vay “cao nhất nhì thế giới”, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh.
Với mặt bằng lãi suất này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, doanh nghiệp nội địa sẽ đuối sức, nhường chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài – vốn không phải chịu lãi suất cao của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Chính vì vậy, theo chuyên gia này, trọng tâm chính sách của NHNN và Chính phủ năm 2023 cần phải đi theo hướng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Muốn giảm lãi suất, đồng nghĩa cung tiền phải tăng lên.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất và tăng cung tiền, TS. Phạm Chí Quang cho biết, thời gian qua, Việt Nam liên tục nhận được nhiều cảnh báo từ các Tổ chức quốc tế như World Bank, IMF về mức độ rủi ro an toàn hoạt động ngân hàng do tỷ lệ đòn bẩy tài chính quốc gia (tổng dư nợ tín dụng trong GDP) thuộc nhóm cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 124%. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm thời gian tới, tỷ lệ này sẽ còn gia tăng.
Trong bối cảnh năng lực tài chính của Việt Nam chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế (nhiều ngân hàng chưa đáp ứng đầy đủ quy định về Basel II mà vẫn còn trong lộ trình triển khai) thì tỷ lệ đòn bẩy này tăng dẫn tới nhiều rủi ro.
“Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng”, TS. Phạm Chí Quang nhận định.
Sau giai đoạn liên tục tăng nóng, kể từ ngày 15/12/2022, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã chững lại. Nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu niêm yết lãi suất huy động theo hướng đi xuống. Biểu lãi suất huy động cao nhất của các ngân hàng hiện xuống dưới mức 9,5%/năm.
Một vài ngân hàng gần đây đã công bố mức lãi suất mới thấp hơn nhiều so với trước đó.
Đơn cử, trong biểu lãi suất mới nhất của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), người gửi tiết kiệm sẽ nhận được mức lãi suất cao nhất là 9,2%/năm khi gửi dài hạn 36 tháng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) cũng đã giảm lãi suất cao nhất từ 10,5% xuống 9,5%/năm. Mức lãi suất 9,5%/năm chỉ dành cho kỳ hạn 13 tháng; các kỳ hạn từ 6-12 tháng dao động từ 9,2 – 9,4%/năm, thay vì 10,5%/năm như trước.
Tương tự, BaovietBank giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng còn 5,65%/năm và 5,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 9,4%/năm. Trước đó, lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này lên tới 10,3%/năm với kỳ hạn 15 tháng.
Theo biểu niêm yết mới nhất, DongABank đã giảm lãi suất kỳ hạn 9 tháng từ 9,45% xuống 9,35%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,75% xuống 9,5%/năm. Với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lãi suất giảm từ 9,85% xuống 9,5%/năm.
Lãi suất huy động giảm nhanh chóng sau lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) về việc thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, đã bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm tiếp tục giảm mạnh. Ngày 29/12/2022, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 2,81%/năm.
Thời gian qua, cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng diễn ra khá căng thẳng, đưa mặt bằng lãi suất huy động lên mức cao nhất tới hơn 12%/năm. Lãi suất huy động lên nhanh đẩy lãi suất cho vay cũng tăng vọt. Có ngân hàng đẩy lãi suất cho vay lên mức 16-17%/năm, chưa kể chi phí mua bảo hiểm. Điều này khiến chi phí khoản vay tăng lên, khách hàng vay lâm vào tình thế rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu gia tăng cao.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện và bớt căng thẳng hơn trước, cuộc đua lãi suất của các ngân hàng đã đến lúc dừng lại.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong văn bản phát hành ngày 22/12/2022, NHNN yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. NHNN khẳng định sẽ theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, VietnamFinance)