Làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại dồn dập từ giữa tháng 9, kéo dài đến giữa tháng 12. Thanh khoản, lãi suất, tỷ giá là 3 từ khoá nóng nhất trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2022…
Ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kêu gọi các thành viên đồng thuận giảm lãi suất huy động với mức trần tối đa 9,5%/năm kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất để tránh các ngân hàng “lách luật”. Một tuần sau đó, ngày 22/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý.
Sau các chỉ đạo của cơ quan quản lý, đã có một làn sóng các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm và nhiều ngân hàng tung các chương trình giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, tập trung ở một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng năm 2022 đã hoá giải đồng thời 3 bài toán. Thứ nhất, cung cấp tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Thứ hai là ổn định thị trường ngoại hối khi nền kinh tế có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, USD tăng giá mạnh. Thứ 3, khá quan trọng là phải ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống khi chịu tác động bởi sự cố SCB và niềm tin thị trường suy giảm.
Tính đến cuối năm 2022, thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước cơ bản ổn định, biến động tỷ giá VND khoảng 3,8%; mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm – thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,85% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 8,31%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,73%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%).
Rủi ro về thanh khoản của nền kinh tế tuy vẫn còn hiện hữu khi tăng trưởng huy động vẫn thấp, chỉ bằng 1/2 tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là việc các kênh huy động vốn khác trên thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán vẫn chưa được giải toả, nhưng tình hình đã bớt căng thẳng hơn về cuối năm.
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (so với mục tiêu 14%). Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, điều này thể hiện thanh khoản và sức khoẻ các ngân hàng đã tạm ổn.
Dù có nhiều nhận định rằng khó có thể giải ngân hết số room tín dụng tăng trong năm tài chính 2022, song hầu hết các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá tích cực về động thái này của Ngân hàng Nhà nước vì phần nào mang lại tâm lý hứng khởi hơn cho doanh nghiệp, người dân dịp cuối năm 2022, chuẩn bị tâm thế tốt hơn cho hoạt động kinh doanh, sản xuất phục vụ dịp tết Nguyên đán.
Năm 2023, trong bối cảnh lạm phát năm 2022 tăng thấp (3,15%), cùng với diễn biến Bộ Tài chính đang tập trung sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng hỗ trợ thị trường, giúp mở lại kênh huy động vốn quan trọng này, làm giảm áp lực thanh khoản lên thị trường tiền tệ; ngoài ra, tỷ giá cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi Fed bớt “diều hâu” hơn sẽ giúp giảm áp lực lên công tác điều hành lãi suất thời gian tới.
Đến thời điểm hiện tại, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn khá thận trọng. Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nhận định, năm 2023, lãi suất, lạm phát thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao; xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên thế giới tiếp tục theo hướng bất lợi cho thị trường mới nổi. Trong nước, lạm phát lõi đang tăng nhanh, tạo nguy cơ lạm phát vòng 2 của yếu tố phi tiền tệ. Vì vậy, định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới là không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Lãi suất điều chỉnh tăng nhanh và mạnh ở nhóm ngân hàng thương mại vừa và nhỏ với mức tăng trung bình ước tính từ 2-3%/năm. Lãi suất 12-13 tháng tại nhiều ngân hàng thương mại được niêm yết ở mức 9,5-10,5%/năm, cá biệt có trường hợp lên tới 11,5%/năm.
Việc tăng lãi suất phán ánh sự căng thẳng thanh khoản của hệ thống, lãi suất liên ngân hàng qua đêm có thời điểm lên tới 10%/năm, trong khi các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đều tắc nghẽn.
Trong năm 2021, khi kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, thì thị trường chứng khoán lại chứng kiến một năm đầy thăng hoa với sự bùng nổ của các cá nhân tham gia thị trường đã đưa mức thanh khoản tăng vọt cùng đà tăng tốc mạnh mẽ của các chỉ số.
“Ngọn lửa” này chỉ được duy trì trong một vài phiên giao dịch đầu năm 2022 giúp thị trường xác lập các đỉnh lịch sử cả về điểm số cùng thanh khoản rồi dần tắt ngấm.
Thậm chí “gió đổi chiều” bởi ảnh hưởng lớn từ các thông tin bên ngoài và trong nước khiến thị trường càng trở nên tiêu cực hơn.
Thời điểm cuối năm 2022, dù thị trường được tiếp thêm những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách hỗ trợ, điển hình là lùi thực hiện nghị định 65…, nhưng thị trường chứng khoán không được như kỳ vọng.
Các chỉ số chính sau đợt hồi phục từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12, đã dần hạ nhiệt và diễn biến trầm lắng hơn trong nửa cuối tháng 12.
Tổng Hợp
(Đầu Tự Chứng Khoán, Nhà Đầu Tư)