Diễn biến của thị trường giai đoạn này có phần khó hiểu so với cùng kì năm ngoái. Thị trường bất động sản cũng rơi vào khó khăn do dịch Covid-19 vừa cơ bản được kiểm soát nhưng thị trường vẫn ghi nhận nhiều điều tích cực…
Còn nhớ, thời điểm giáp Tết năm ngoái, thị trường bất động sản (BĐS) cũng rơi vào khó khăn do dịch Covid-19 vừa cơ bản được kiểm soát. Thế nhưng, nếu so với lúc đó, hiện BĐS có phần “căng thẳng” hơn. Các giao dịch gần như lặng sóng vào thời điểm cận Tết. Sự quan tâm gần như chỉ hướng về các dự án lớn, của chủ đầu tư uy tín và được hỗ trợ khoản vay ngân hàng.
Trong khi BĐS đất nền lẻ ở các khu vực chững lại rõ nét. Càng vào thời điểm giáp Tết, giao dịch lại càng trở nên khó khăn. Sau khoảng thời gian rao bán chưa được, nhiều nhà đầu tư quyết định hạ thêm giá để chốt nhanh, thu dòng tiền trước Tết nguyên đán. Tuy nhiên, điều này cũng không hề dễ dàng trong bối cảnh thị trường trầm lắng hoạt động đầu tư – mua bán.
Một môi giới tư BĐS khu Đông Tp.HCM cho biết, càng về cuối năm, nhà đầu tư “hối” môi giới ra hàng càng nhiều. Thậm chí, có nền đất, nhà đầu tư chấp nhận bán bằng mọi giá, miễn thu được dòng tiền để xoay sở công việc.
Ghi nhận cho thấy, mức giảm giá hàng ngộp hiện dao động từ 100-400 triệu đồng. Mức này có dấu hiệu tăng lên so với thời điểm tháng 5 & 6/2022. Theo các nhà đầu tư, đây cũng là mức giá giảm “mạnh tay” nếu tính từ thời điểm cuối năm 2019. Điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh hiện tại khi các nguồn vốn tiếp cận đều hạn chế khiến nhà đầu tư khó xoay dòng tiền.
Tuy vậy, nếu cùng kì Tết năm ngoái, giao dịch vẫn âm thầm diễn ra trên thị trường. Nhà đầu tư có tài chính sẵn sàng săn tìm các sản phẩm giá tốt, với mức giảm xoay quanh khung 10-20%. Theo họ, đó là mức giảm tốt so với kì vọng của nhà đầu tư đặt trong bối cảnh thị trường khi đó. Hiện tại, hoạt động đầu tư mua bán BĐS giáp Tết có phần trầm lắng hơn. Nhiều nhà đầu tư có tài chính tốt dù biết có cơ hội nhưng vẫn trong trạng thái e dè, thận trọng. Đó cũng là lý do sức trầm thị trường BĐS càng trở nên nặng nề hơn.
Theo một chuyên gia trong ngành, khá nhiều BĐS được chủ bán ra dịp cận Tết nhằm mục đích gom tiền làm một việc khác cần thiết hơn. Càng cận Tết, họ càng muốn bán BĐS khi có người trả giá mua, vì nếu từ chối thì khả năng ôm thêm ít nhất 1 tháng nữa qua Tết cũng chưa chắc bán được, mà việc thì đang cần tiền gấp. Cũng vì lý do này, nhiều chủ BĐS đã chấp nhận rao hạ giá bớt đi so với giá kì vọng, chấp nhận thương lượng rẻ hơn.
Đây cũng chính là cơ hội cho nhà đầu tư mua được BĐS giá tốt hơn kì vọng. Theo vị này, vào cuối năm, mọi người thường tập trung thanh toán các khoản nợ cũng như mua sắm các thứ cần thiết cho dịp Tết. Nhu cầu mua nhà để ở, hoặc đầu tư có thể bị dời lại qua đầu năm sau. Vì vậy để kích cầu, thời điểm này thường có rất nhiều ưu đãi về chính sách bán hàng hấp dẫn từ người bán như chiết khấu trực tiếp trên giá bán hoặc tặng kèm quà. Những yếu tố này cũng chính là mức lời mà nhà đầu tư có được ngay thời điểm mua. Chưa kể, nhu cầu thanh lý gấp tài sản vào cuối năm cũng là cơ hội giúp nhà đầu tư “săn” được nhà với mức giá hấp dẫn.
“NĐT thường có tâm lý là giá đã hợp lý rồi nhưng vẫn muốn mua rẻ hơn một chút. Vào những ngày cận Tết, không nhiều người đi mua mà lại có nhiều BĐS, trong đó có những BĐS bán tháo, hạ giá “mạnh tay”, thì đây rõ ràng là cơ hội để người mua có nhiều sự lựa chọn, có thời gian lựa chọn và có quyền làm giá hơn”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.
Bước vào tháng cuối cùng của năm, bất chấp hàng loạt chính sách ưu đãi, chiết khấu “khủng” được các doanh nghiệp tung ra, thanh khoản của thị trường bất động sản vẫn chưa thể sôi động trở lại. Bài toán hàng tồn kho càng trở nên nan giải, tạo áp lực lớn lên các chủ đầu tư.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản năm 2022”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết từ đầu năm đến nay chỉ có khoảng hơn 40.000 sản phẩm bất động sản mới được tung ra thị trường. Con số này tương đương khoảng 20% của năm 2018.
Hàng tồn kho trên thị trường tính đến thời điểm hiện tại cũng ngót nghét 100.000 sản phẩm đang có tính thanh khoản rất yếu, đa số nằm ở phân khúc cao cấp. Số lượng hàng tồn kho này cũng gần tương đương với thời điểm 2011 – 2013 và đều có tính chất giống nhau là khó hấp thụ vào thị trường. Nguyên nhân là do mức giá quá cao, không phù hợp nhu cầu của đại đa số người dân.
Đại diện một chủ đầu tư căn hộ cao cấp ở TPHCM thừa nhận sức mua ngày càng giảm mạnh. Doanh nghiệp thường chủ yếu dựa vào khách hàng thân thiết đã sở hữu căn hộ ở các dự án đã bàn giao trước đó, tuy nhiên hiện tại nhóm khách hàng này cũng có vẻ chần chừ hơn.
“Khách hàng quen dù tin tưởng sản phẩm nhưng cũng chưa muốn xuống tiền, còn việc tìm kiếm khách hàng mới trong giai đoạn này cũng không phải là dễ. Ngân sách quảng cáo, truyền thông của chúng tôi vì vậy mà tốn kém hơn rất nhiều”, vị này nói.
Tổng Hợp
(Vietstock, Nhịp Sống Thị Trường)