Các doanh nghiệp phát triển bất động sản hiện chỉ có sẵn khoảng 20% tiền mặt để giải phóng mặt bằng, còn lại 80% số tiền phát triển dự án phải đi vay. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng và trái phiếu bất động sản là hai kênh dẫn vốn quan trọng nhất.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay chính là bài toán dòng vốn.
Tuy nhiên, theo ông Đính, cả hai kênh này đang đồng loạt bị siết chặt, gây ra hệ lụy là nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải dừng, giãn tiến độ hoặc hoãn dự án trong thời gian dài vì thiếu vốn; dẫn tới thanh khoản kém và doanh thu sụt giảm.
“Nhiều doanh nghiệp quá khó khăn đã buộc phải giảm bớt lực lượng lao động. Thêm vào đó, đối tượng người mua bất động sản cũng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bị hạn chế nhu cầu vay do lãi suất ngân hàng tăng mạnh”, ông Đính nhấn mạnh.
Bên cạnh nguyên nhân đến từ dòng vốn, theo ông, hiện nay, nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước đang gặp phải những khó khăn nhất định tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Lạm phát tăng cao gây áp lực lên giá đầu vào như chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu…, làm cho nhiều dự án phải ngừng hoạt động vì chưa giải quyết được bài toán dòng vốn. Ngược lại, bất động sản không thể tăng giá vì không bán được hàng. Điều này gây ra sức ép lớn cho thị trường bất động sản trong bối cảnh như hiện nay.
Ngoài ra, những quy định pháp lý về Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các luật liên quan đến bất động sản còn chồng chéo, mâu thuẫn làm rào cản trong việc phê duyệt dự án, kể cả dự án nhà ở xã hội. Điều đó càng tạo sức ép, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản.
Để tháo gỡ khó khăn, ông kiến nghị cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa Luật, nhưng nội dung sửa cần bám sát thực tế. Nếu còn vướng mắc thì còn phải sửa, không nên vội vã phê duyệt, nhất là Luật Đất đai.
Tiếp đó, lạm phát đang được kiểm soát, để tránh giảm phát thị trường bất động sản, ngân hàng nhà nước nên nới room tín dụng cho thị trường bất động sản, khoảng 1-2%; hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt khó, đồng thời tránh ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng của quốc gia, tạo cú hích để thị trường sôi động trở lại.
“Ngân hàng chỉ cần kiểm soát tốt dòng tiền để nó chảy đúng đối tượng, đúng mục đích, dành nguồn vốn tín dụng áp dụng riêng cho các dự án nhà ở thương mại giá rẻ (có giá bán nhỏ hơn 25 triệu đồng/m2), nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có bất động sản, đặc biệt với các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý, các dự án nhà ở xã hội”, ông Đính nêu giải pháp.
Bất chấp hàng loạt chính sách ưu đãi, chiết khấu khủng được các doanh nghiệp tung ra, thanh khoản của thị trường bất động sản vẫn chìm trong ảm đạm, khiến “bài toán” hàng tồn kho càng trở nên nan giải, tạo áp lực lớn lên các chủ đầu tư.
Thống kê từ đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, tính đến hết quý III, dữ liệu từ 15 doanh nghiệp bất động sản lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận, tổng lượng tồn kho là gần 261.000 tỷ đồng, tương đương 10,4 tỷ USD, tăng gần 7,4% so với quý trước và tăng hơn 28% so với cùng kỳ.
Liên quan đến vấn đề hàng tồn kho, trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đưa ra con số rất đáng quan ngại, đó là thời gian vòng quay hàng tồn kho tăng ở mức rất cao, lên mức trên 1.497 ngày ngày, tức hơn 4 năm. Đây là mức cao đáng báo động cho các doanh nghiệp bất động sản.
Không khó để nhận thấy vướng mắc pháp lý là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến doanh nghiệp khó khăn, thị trường khó khăn. Có nhiều sản phẩm bất động sản ra đời và nổi lên theo xu thế nhưng không có một văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng, khiến các sản phẩm phát triển thiếu hành lang pháp lý.
Cùng với việc quá phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân hàng nên khi nguồn vốn đóng cửa quay lưng là bất động sản bơ vơ. Những điều này đã khiến hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản chưa tìm thấy lối thoát.
Dự báo, năm 2023, kỳ vọng thị trường phục hồi vẫn rất mong manh, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình bằng cách “thắt lưng buộc bụng”, tái cấu trúc sản phẩm và tái cấu trúc tài chính, tinh giảm bộ máy, cơ cấu lại sản phẩm, dự án đang phát triển cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nhiều dự án đang được các doanh nghiệp ra mắt trong đợt mua sắm cuối trong năm. Đây là cơ hội để nhiều đơn vị tái khởi động dòng tiền từ người mua, và đẩy nhanh thanh khoản dự án.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Doanh Nhân Trẻ)