GS. Nguyễn Mại cho biết, từ tháng 4-10, giai đoạn tăng trưởng của ta rất hoành tráng, còn giai đoạn từ tháng 10-12 bắt đầu xuất hiện khó khăn lớn, có tình trạng khát vốn của doanh nghiệp. “Đáng lẽ phải có gói giải cứu doanh nghiệp sớm hơn” Ông phát biểu.
Đó là đánh giá của GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư trong buổi Tọa đàm kinh tế 2023
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư. Ảnh Phạm Hưng
Theo ông Mại, so với thế giới, Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, chúng ta phải làm rõ tăng trưởng GDP năm 2022 cao là do so với tăng trưởng ở mức thấp của 2021 chỉ 2,6%. Chính vì vậy, nên tăng trưởng năm 2022 mới cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng khó hy vọng có tăng trưởng cao hơn nữa vào năm 2023.
Theo tôi, điểm quan trọng là công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2022 có nhiều yếu tố tích cực, từ chỉ số sản xuất công nghiệp, cho đến nông nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký mới…
Năm nay bình quân mỗi tháng có 17.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 720-730 tỷ USD, chúng ta đứng thứ 23 thế giới về kim ngạch thương mại, đặc biệt là thu ngân sách, mới đây công bố 1.740.000 tỷ đồng, chi ngân sách, và bội thu ngân sách 252.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên chúng ta có bội thu lớn vậy.
“Thu rất nhiều, nhưng đáng lẽ chúng ta đề ra gói giải cứu doanh nghiệp sớm hơn mới phải. Trong tháng 9 thấy bội thu rồi, chúng ta phải có gói giải cứu doanh nghiệp sớm hơn, nhưng rất đáng tiếc chúng ta không có đề án nào để giải cứu doanh nghiệp, khi họ khát vốn rất nhiều”-ông Mại nói.
Khát vốn, nhiều nơi cắt giảm lao động, rất đáng tiếc là chuyện không linh hoạt trong giải quyết chính sách tiền tệ, khi các ngân hàng hết zoom tín dụng, doanh nghiệp không biết vay mượn ở đâu, thậm chí một số doanh nghiệp vay chợ đen để trả tiền lương cho công nhân.
“Chúng ta đang có điểm lạ là tự nhiên tín dụng thắt chặt lại nên không giải cứu được cho doanh nghiệp, đến tháng 12/2022, nới zoom tín dụng từ 5-12%, như vậy, không biết trong thời gian ngắn còn lại, doanh nghiệp có vay được bao nhiêu, doanh nghiệp dễ thở hơn hay không?”- GS.Nguyễn Mại nói.
Không phải một lĩnh vực bất động sản mà cả tiêu dùng, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp cũng rất khát vốn. Lần đầu tiên chúng ta có chất lượng và hiệu quả thu hút FDI, dù vốn cam kết giảm 5%, thực hiện 21 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Số quan trọng nhưng chất lượng quan trọng hơn.
Khi thị trường bất động sản (BĐS) vào giai đoạn trầm lắng thì không ít doanh nghiệp lĩnh vực này đã kêu gọi Chính phủ “giải cứu”. Thế nhưng, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) lại cho rằng không nên giải cứu thị trường BĐS. Vì sao như vậy?
Theo phân tích của HoREA, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy rủi ro; hoặc phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40-50% giá hợp đồng), nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, từ đó có thể làm giảm lợi thế của các doanh nghiệp trong nước đang thống lĩnh thị trường BĐS hiện nay.
HoREA cũng cho rằng cũng có nguyên nhân từ phía các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là nhà đầu tư lướt sóng, trong đó có lực lượng đầu nậu, môi giới, đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường BĐS kích động hành vi tranh mua, tranh bán hoặc bán tháo theo tâm lý đám đông.
Từ đó, theo HoREA, không cần giải cứu thị trường BĐS, doanh nghiệp BĐS mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường tự điều chỉnh, tự điều tiết. Tuy nhiên, cần xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu.
Quan điểm không bơm vốn giải cứu thị trường BĐS của HoREA không nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp BĐS nhưng các chuyên gia tài chính lại cho là đúng đắn khi cho rằng với một lĩnh vực hiện tồn tại quá nhiều góc khuất như thị trường BĐS thì việc giải cứu sẽ chỉ là đổ tiền “cứu nhà giàu” và thổi lại bong bóng BĐS mới, nền kinh tế không thu được lợi gì và cả người dân cũng vậy.
Mới đây, bày tỏ quan điểm về một số ý kiến tranh luận xung quanh câu chuyện nên hay không cần có sự can thiệp của Nhà nước nhằm cứu các doanh nghiệp bất động sản đang “ngập ngụa” trong khó khăn, GS Đặng Hùng Võ cho rằng trên thế giới, không quốc gia nào đặt vấn đề giải cứu các doanh nghiệp bất động sản vì thị trường bất động sản cũng được coi như một trong các loại thị trường hàng hóa khác.
Theo GS. Võ, kinh nghiệm tại các nền kinh tế phát triển cho thấy, Chính phủ hay cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có những biện pháp “giải cứu” thị trường bất động sản khi nợ xấu của các dự án bất động sản gây hại cho thị trường tín dụng và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, nếu khó khăn của thị trường bất động sản xảy ra ở mức độ cao hơn, làm cho thị trường tín dụng bị ảnh hưởng do nợ xấu, do làm mất niềm tin của người mua trái phiếu, cổ phiếu, thì tùy tức mức độ mà Nhà nước đưa ra các giải pháp giải cứu.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Đại Đoàn Kết, Nhịp Sống Thị Trường)