Lo nghịch cảnh thiếu xăng dầu lặp lại trong năm mới, thị trường xăng dầu năm 2023 tiếp tục dự báo khó lường…
Không chỉ là vấn đề chiết khấu, trong một cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu thông tin các nước thuộc Liên minh châu Âu áp giá trần xăng dầu của Nga. Nếu Nga không chịu và quyết định chỉ bán cho nước nào công nhận mức giá mà họ đưa ra, đồng thời giảm sản lượng thì diễn biến giá cả, nguồn cung trên thị trường xăng dầu thế giới sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó Việt Nam bị tác động.
Thứ trưởng Công Thương cho hay, Việt Nam đang phụ thuộc 20-25% xăng dầu thành phẩm nhập khẩu, không phải đối tượng ưu tiên để các nhà cung cấp lớn trên thế giới lựa chọn để bán. “Trong khi đó với nguyên liệu dầu thô, 100% đầu vào Lọc dầu Nghi Sơn là nhập khẩu, 50 – 60% đầu vào của Dung Quất cũng nhập khẩu. Việc phụ thuộc nhập khẩu ảnh nguyên liệu ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này cần có biện pháp khắc phục”, ông Hải lưu ý.
Sau kỳ điều chỉnh ngày 12/12, giá xăng trong nước đã giảm về mức thấp nhất từ đầu năm đến nay: mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5RON92 là 20.340 đồng/lít và xăng RON95 là 21.200 đồng/lít. Đây cũng là lần giảm giá thứ 3 liên tiếp.
Chiết khấu giảm xuống 200 đồng/lít
Giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây giúp thị trường ổn định hơn, không còn tình trạng cây xăng treo biển hết hàng hàng loạt, người tiêu dùng dễ dàng mua nhiên liệu. Tuy vậy, những rủi ro trong việc giữ ổn định thị trường này vẫn tiềm ẩn.
TS. Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), cho hay, chiết khấu cho kinh doanh bán lẻ xăng dầu đang giảm mạnh. Cụ thể, đầu mối phân phối chỉ chiết khấu với dầu là 200 đồng/lít, xăng 150 đồng/lít, chỉ dấu báo hiệu nguy cơ bất ổn.
Ông Giang Chấn Tây lo ngại thời gian tới sẽ thiếu hàng vì nhà phân phối đang bán lỗ nên hạ thấp hoa hồng. Nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm nữa thì hoa hồng có thể bằng 0 đồng hoặc âm thì khả năng xảy ra đóng cửa của đại lý bán lẻ xăng dầu là rất cao.
“Kinh doanh xăng dầu đang lỗ, đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu cửa hàng bán 1.000 lít mỗi ngày thì phải thuê 2 nhân công với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng, tính ra mất tiền thuê nhân công gần 500.000 đồng/ngày, đó là chưa kể các chi phí về thuê địa điểm, điện nước… Như vậy, mức hoa hồng trên rõ ràng không đủ bù đắp chi phí”, ông Tây cho hay.
Trước thực tế đó, lãnh đạo Bội Ngọc kiến nghị cơ quan quản lý phải nghiên cứu quy định chiết khấu cố định cho nhà bán lẻ xăng dầu, đây cũng là yếu tố giúp đảm bảo vận hành của thị trường trong thời gian tới.
Giá dầu tuần trước đã quay đầu tăng sau một tuần “lao dốc không phanh” tới hơn 10%.
Mặc dù “bỏ túi” tới hơn 3 USD cả tuần, nhưng ở hai phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu đã giảm do chịu tác động của các đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ, Anh, và châu Âu và sự gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra.
Giữa tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Mức tăng này không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Trước khi giảm tốc về mức tăng này, Fed đã có 4 đợt nâng lãi suất liên tiếp 0,75 điểm phần trăm.
Các quan chức trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận hoạch định chính sách tiền tệ của Fed, dự kiến rằng lãi suất cần được tiếp tục tăng trong năm 2023 và sẽ không được cắt giảm cho tới năm 2024. Fed dự kiến tăng lãi suất lên mức đỉnh 5,1% rồi mới dừng tăng. Mức lãi suất cực đại này cao hơn nhiều so với con số 4,6% mà Fed dự báo hồi tháng 9.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng cần có thêm nhiều dữ liệu kinh tế trước khi Fed có thể thực sự thay đổi cái nhìn về lạm phát. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất dù lạm phát ở Mỹ đã giảm.
Theo nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets, giá dầu đang chịu áp lực do hướng dẫn “diều hâu” của Fed đối với chính sách tiền tệ của họ, làm dấy lên những lo ngại mới về tăng trưởng kinh tế, nâng giá USD, giảm giá hàng hóa.
Ngoài Ngân hàng Trung ương Mỹ, cũng trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp với mức tăng 50 điểm cơ bản lên mức 2%. Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, từ 3% lên 3,5% – mức lãi suất cơ bản cao nhất của ngân hàng này trong 14 năm qua.
Việc các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất khiến lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khó có thể thuyên giảm.
Tổng Hợp
(Báo Quốc Tế, VNB)