Đó là phát biểu tại phiên thảo luận, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia kiế nghị 3 nhóm giải pháp trong ngắn hạn.
Tại phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế và chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản cũng như thị trường tài chính Việt Nam hiện nay.
Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Trước hết là phải minh bạch thông tin và thông điệp mạnh mẽ. Tiếp đến là sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan. Cùng với đó có phương án cụ thể, khả thi cho thị trường trái phiếu thời gian tới.
“Theo quan điểm của tôi là không dùng ngân sách để giải cứu thị trường bất động sản. Vì đây là câu chuyện của thị trường, Nhà nước chỉ tạo cơ chế, còn nhà đầu tư chia sẻ, doanh nghiệp cũng phải chịu rủi ro”, ông Lực phát biểu.
Nhóm giải pháp thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ rào cản pháp lý và vốn cho nền kinh tế.
Ông Lực kiến nghị Thủ tướng và Ủy ban Kinh tế Trung ương tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.
Theo chuyên gia này, cần đảm bảo 4 cân bằng: Cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng; Cân bằng giữa điều hành lãi suất và tỷ giá; Cân bằng giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp người dân; Cân bằng giữa vốn đầu tư nhà nước và tư nhân.
“Trong năm qua, vốn đầu tư của tư nhân tăng trưởng rất thấp, chỉ khoảng 10%, trong khi vốn đầu tư nhà nước lại tăng mạnh”, ông Lực phân tích.
Cũng theo ông Lực, Nhà nước cần khởi thông các nguồn vốn, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hết sức quan tâm tới pháp lý cho hàng nghìn dự án bất động sản đang tồn đọng trên cả nước. Cùng với đó, khơi thông nhanh dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường vốn tăng trưởng xanh.
Nhóm giải pháp thứ ba là đảm bảo thanh khoản của thị trường, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.
“Cần sớm có giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém, không để rủi ro lan truyền giữa chứng khoán, bất động sản và ngân hàng”, ông Lực đề xuất.
Theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thời gian tới, cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc 3 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
“Đây là các chỉ thị rất quyết liệt, đúng và trúng, cần được tích cực thực hiện”, ông Lực lưu ý.
Trong trung và dài hạn, ông Lực khuyến nghị 6 chữ dành cho thị trường bất động sản. Đó là Minh bạch, Thị trường và Chuyên nghiệp.
Lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực; thị trường bất động sản ở nhiều nước gặp khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước… một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế như Anh, Mỹ, Đức, Italy…
Bên cạnh đó, nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng… sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn.
“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do hậu quả rất nặng nề của đại dịch Covid-19; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột quân sự kéo dài; giá dầu thô, lương thực và các hàng hóa cơ bản biến động mạnh và giữ ở mức cao; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi, đảo chiều nhanh; thiên tai, biến đổi khí hậu…diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn ở nhiều quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tổng Hợp
(VnE)