Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2022 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và đến năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều thách thức.
Trong thời gian gần đây, Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung 3 vấn đề vốn, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Đồng thời, thành lập 3 nhóm công tác cho 3 nhóm vấn đề này.
Tuy nhiên, như đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các động thái cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn nếu không muốn thị trường rơi vào tình trạng suy thoái không đáng có.
Hiện nay, vấn đề nghẽn vốn chỉ như “giọt nước tràn ly” và nếu đã muốn thì phải giải quyết cả cụm các vấn đề đang tác động vào thị trường, đặc biệt là câu chuyện pháp lý khi “điểm nghẽn” về đất đai liên quan đến giải phóng mặt bằng, quy định định giá đất gây khó cho địa phương trong việc thực hiện trình tự, thủ tục định giá đất.
“Về nguồn vốn, dù ngân hàng đã được nới room tín dụng, nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân như thế nào lại là câu hỏi”, ông Hà nhấn mạnh.
Tổ công tác của của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản cần tập hợp danh mục dự án khó khăn của địa phương, phân loại khó khăn mà dự án đang đối mặt: dự án vướng giải phóng mặt bằng, dự án vướng do định giá đất, dự án đang triển khai nhưng “tắc vốn”… từ đó có giải pháp cụ thể.
Chẳng hạn, với dự án ở phía Nam, gom đất nông nghiệp thành dự án phù hợp với quy hoạch, với kế hoạch sử dụng đất nhưng không thể triển khai được do vướng quy định đấu thầu vì không thể giao thầu được. Vì vậy, tuỳ từng dự án cụ thể cho phép chủ đầu tư triển khai, chỉ định chủ đầu tư với giá đất phù hợp giá thị trường.
UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017). Trong các cơ chế về tài chính ngân sách, TP.HCM đề xuất được quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất đối với bất động sản thứ 2 trở đi.
Mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau, đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở như hiện nay.
Về phía nhà thầu – người làm ra sản phẩm dự án nhưng hiện các công ty xây dựng đang gánh nặng vô cùng to lớn khi thị trường bất động sản chững lại, nhiều chủ đầu tư gửi “hoãn thanh toán” cho các chủ nhà thầu thậm chí còn trả nhà thầu xây dựng bằng sản phẩm, nhưng pháp lý không đủ để tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, chúng ta có thể nhìn vào bài học trước đó từ gói 30.000 tỷ đồng, tại thời điểm đó con số 30.000 tỷ đồng so với thị trường là không thấm vào đâu, tuy nhiên, chính sách này đã kích cầu rất nhiều dự án được chuyển đổi từ phân khúc cao cấp sang nhà ở xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
“Chính sách không tác động trực tiếp về mặt thanh khoản, nhưng đã đem lại những hướng đi mới của thị trường, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng và nhu cầu thực tế”, ông Đính cho hay.
Cũng theo ông Đính, vừa qua trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã sử dụng những từ rất mạnh như: khẩn trương, làm ngay…, đây là tính quyết liệt tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và đem đến những điểm sáng cho thị trường.
Chúng ta đã giải qua cuộc khủng hoảng 2013 – 2016 từ những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ Chính phủ, vì vậy, đối với giai đoạn hiện nay, tinh thần quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cần phải được lan tỏa đến các bộ ngành, địa phương cùng quyết liệt vào cuộc mới có thể khơi thông được “điểm nghẽn” của thị trường hiện nay. Thực tế thị trường hiện nay, theo tính toán còn khoảng 1.000 dự án trên cả nước đang gặp điểm nghẽn về pháp lý mà chưa thể đưa vào thị trường được, tổng số giá trị của 1.000 dự án tương đương khoảng 700.000 tỷ.
“Số tồn đọng này, nếu không được khơi thông sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và ngược lại nếu có thể nhanh chóng khơi thông được sẽ cùng một lúc giải quyết không chỉ cho thị trường bất động sản mà còn thúc đẩy nhiều ngành sản xuất, kinh doanh khác cùng tăng trưởng. Hy vọng những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa qua sẽ tạo ra sự lan tỏa như bài học về gói 30.000 tỷ giai đoạn khủng hoảng 2013 – 2016”, ông Đính kỳ vọng.
Bất động sản đóng góp tới 11% GDP và có sức ảnh hưởng chi phối đến hàng trăm ngành nghề. Tuy nhiên, thời gian vừa qua bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục nghìn lao động các ngành nghề liên quan.
Hàng nghìn doanh nghiệp trên thị trường bất động sản đang bị rơi vào tình cảnh đói vốn, khó khăn chưa từng có. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng, giãn, hoãn các dự án đang triển khai, thậm chí sa thải 30-50% lực lượng lao động vì thiếu vốn trong khi doanh thu sụt giảm vì lãi suất tăng, dòng vốn tín dụng bị đóng và dư nợ trái phiếu cao.
Thị trường bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế. Cánh chim báo bão ấy là đầu vào của nhiều ngành nghề khác nhau. Không có đất, không có nhà thì các ngành: hạ tầng, thiết kế, vật tư, xây dựng, nội thất, gốm sứ, máy móc cơ điện, thiết bị gia dụng… cũng mất đi cơ hội phát triển. Thậm chí các ngành tưởng chừng không hề liên quan như: hội họa, điêu khắc cũng thịnh suy theo sức khỏe của thị trường địa ốc. Đó là chưa kể đến sau lưng bất động sản còn có cả hệ thống tài chính.
Thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ khó khăn chồng chất khó khăn. Việc co hẹp nguồn vốn vào thị trường bất động sản đã tạo nên khó khăn cho cả chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án cũng như người mua nhà. Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng cần phải có những chính sách đột phá khơi thông nguồn vốn, vực dậy thị trường bất động sản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cũng khẳng định: “Hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Hiện đã xuất hiện một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản gặp “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Hiện các Tập đoàn, doanh nghiệp này đã phải thực hiện các biện pháp mạnh để tồn tại”.
Ông Châu cho biết, bất động sản đóng góp gần 11% GDP của nền kinh tế. Đặc biệt, lĩnh vực BĐS có ảnh hưởng đến khoảng 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú – ăn uống và tài chính – ngân hàng… Cùng với đó, nhu cầu nhân sự cho BĐS hiện đang xếp thứ 7/11 các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao, nhu cầu tuyển dụng ngành BĐS bình quân chiếm 4,15% tổng nhu cầu nhân lực/năm. Chính vì thế, khi các doanh nghiệp bất động sản lao đao sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt ngành nghề khác, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, Nhịp Sống Thị Trường)