Năm 2022, thị trường bất động sản khá trầm lắng khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, khiến nhiều phân khúc phải “ngủ đông”. Theo đó, sức mua của khách hàng và thanh khoản giảm mạnh. Thị trường đất nền trầm lắng nhiều nhà đầu tư ngó lơ với phân khúc đã từng hái ra tiền…
Tại thị trường TP.HCM hầu như không có dự án đất nền mới được chào bán. Trong khi đó, các khu vực tiệm cận chỉ có một vài chủ đầu tư chào bán nhưng chủ yếu là giỏ hàng cũ.
Theo thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại TP.HCM, cả lượng tiêu thụ, sức cầu, nguồn cung của phân khúc đất nền ở TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong quý 3/2022 đều giảm đáng kể so với quý trước.
Cụ thể, trong quý 3/2022, thị trường đất nền tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận chỉ có nguồn cung khoảng 1.057 nền đất (giảm 65,6%) tiêu thụ chỉ đạt 22%, giảm 77,8% so với quý trước. Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhìn chung quý 3, giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, một số dự án phải sử dụng đến chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại… “Hiện tượng “sốt đất”, “bong bóng” gần như không còn xuất hiện đặc biệt là sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu.
Doanh nghiệp thiếu nguồn cung nhà ở, pháp lý dự án khó khăn, thiếu dòng vốn duy trì hoạt động. Thêm vào đó, cơ cấu sản phẩm không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, thừa nhà ở cao cấp, giá nhà ở tăng liên tục, vượt quá khả năng tài chính của đa số người… khiến bức tranh thị trường càng “xám xịt”.
Trong đó, đất nền vốn được đánh giá là một trong những phân khúc “bền vững” nhất cũng không thoát cảnh “lao đao”. Ghi nhận diễn biến thị trường các tháng qua, giá đất dần hạ nhiệt, nhu cầu mua có xu hướng giảm. Các nhà đầu tư cũng không mặn mà với bất động sản do e ngại rủi ro mà quyết định gửi tiết kiệm khi lãi suất liên tục tăng.
Trong khi đó, với các nhà đầu tư đang “ôm” đất cũng trong tình trạng lo lắng giá giảm cũng nhưng không thể tiếp tục “gồng” lãi suất ngân hàng do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Bên cạnh đó, các môi giới bất động sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi thị trường đất nền rơi vào trầm lắng như hiện nay.
Hiện nay, chủ đầu tư dự án đất nền cũng đang vướng mắc nhiều trong câu chuyện pháp lý, hạ tầng xây dựng dự án. Khi chưa thể hoàn thành các hạng mục công trình thì sẽ khó bán hàng hơn, vì thời điểm hiện giờ không dễ gì bán một mảnh đất mà đường sá, hạ tầng chưa hoàn thiện.
Lý giải nguyên nhân khiến phân khúc bất động sản đất nền khó lướt sóng, một số chuyên gia cho rằng, hiện có nhiều nhà đầu tư vay vốn, sau đó đi mua lại các dự án, khu đất nền, mua đi bán lại đã hết ân hạn nợ gốc. Bình thường, các ngân hàng sẽ cho nhà đầu tư vay tiền trong khoảng thời gian đầu với lãi suất ưu đãi, nhưng sau đó sẽ tính theo lãi suất thả nổi ngân hàng. Nếu áp lãi suất thả nổi, chắc chắn là ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng chi trả của nhà đầu tư.
Theo báo cáo mới công bố của DKRA Việt Nam về phân khúc đất nền, TP.HCM và các tỉnh lân cận ghi nhận 6 dự án mở bán sản phẩm đất nền trong tháng 11, trong đó có 4 dự án mới.
727 sản phẩm đất nền được cung cấp ra thị trường, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó tỉnh Bình Dương chiếm 68,8% tổng nguồn cung, còn lại là Long An chiếm 28,7% và TP.HCM chiếm 2,5%
Sức cầu thị trường đã tăng nhẹ, thể hiện ở việc 510 sản phẩm được giao dịch, đạt tỷ lệ tiêu thụ 70%. Những dự án có hạ tầng và pháp lý hoàn thiện thu hút người mua hơn cả (theo DKRA Việt Nam).
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đínhđánh giá, khi có room tín dụng vào năm 2023 thì thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ngay lập tức sôi động trở lại. Dòng tiền này sẽ giúp thị trường có thêm giao dịch từ các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.
Thực tế ghi nhận, các giao dịch tại phân khúc đất nền vẫn âm thầm diễn ra ở nhóm nhà đầu tư có sẵn tiền mặt. Giới chuyên môn nhận định đây là cơ hội để nhóm nhà đầu tư này bắt đáy.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Markettimes)