Theo Tổng cục Thuế, số nhà cung cấp nước ngoài tự nguyện đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử ngày càng gia tăng, minh chứng cho hiệu quả bước đầu của giải pháp quản lý thu này. Hiện đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài hoạt động xuyên biên giới tự giác nộp thuế ở Việt Nam…
Cũng theo cơ quan này, 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Bằng Thắng nhận định việc ngành thuế triển khai cổng thông tin dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế, tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan.
Ông Thắng cho biết ngành thuế sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực thu thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài, đảm bảo mục tiêu trên nguyên tắc công bằng, thống nhất, đồng bộ, thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục phối hợp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai các giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số của nhà cung cấp nước ngoài.
Sau hơn 8 tháng triển khai Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài kể từ ngày 21/3, Tổng cục Thuế cho biết đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng này từ nhiều quốc gia như Hà Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Ireland, Lithuania, Mỹ, Singapore, Thụy Sỹ, Australia…
Cụ thể, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là hơn 3.444 tỷ đồng. Trong đó, gần 1.900 tỷ đồng các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và phần còn lại do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay. Facebook nộp hơn 1.748 tỷ đồng, Google là 979 tỷ đồng…
Trước đó, trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 62 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp 3 gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết trong 3 năm qua (2018-2021), số thu thuế từ các nền tảng xuyên biên giới, thương mại điện tử tăng bình quân 130%. Riêng năm 2021, số thu đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020.
Từ năm 2018 đến tháng 8 năm nay, các nền tảng đã khai, nộp 5.588 tỷ đồng thông qua tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài). Trong đó, Facebook nộp 2.099 tỷ đồng, Google nộp 2.115 tỷ đồng, Microsoft nộp 714 tỷ đồng, chiếm tổng cộng 88%. So với hồi tháng 6, số thuế các nền tảng này nộp tăng 410 tỷ đồng.
TS Nguyễn Trần Hưng – Trưởng khoa Hệ thống Thông tin Kinh tế và Thương mại Điện tử, Đại học Thương mại cho rằng, với hoạt động mua bán trên TMĐT, việc đánh thuế là rất khó, đặc biệt là với những người bán hàng đa kênh.
Nếu hoạt động mua bán diễn ra trên sàn thì việc đánh thuế dễ dàng hơn. Cơ quan quản lý có thể sử dụng phương pháp các sàn TMĐT ứng trước khoản thuế với cơ quan quản lý. Hoặc sàn chia sẻ thông tin doanh thu mà mình nắm được cho cơ quan thuế để có cơ sở thu.
“Tuy vậy, vấn đề thu thuế với người bán hàng đa kênh lại thách thức và khó khăn hơn. Đa kênh là trường hợp người bán hàng không chỉ giao dịch qua sàn TMĐT mà còn qua các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube hoặc bán trực tiếp… Nếu trường hợp người bán sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng đa kênh, thì có thể căn cứ vào nền tảng đó để thu thuế. Nhưng nếu người bán không sử dụng nền tảng, thì phải có chế tài chia sẻ thông tin bắt buộc”, ông Hưng chia sẻ.
Theo ông Hưng, cơ quan thuế phải có cơ chế yêu cầu người bán hàng kê khai các kênh bán hàng của mình, sau đó là chia sẻ thông tin bán hàng như doanh thu, lợi nhuận, số lượng giao dịch, số lượng sản phẩm…
“Đó là phương pháp tốt nhất. Ở phạm vi quốc gia, cơ quan thuế phải xây dựng một hệ thống thông tin, nơi những người bán hàng phải kết nối và chia sẻ thông tin”, ông Hưng đề xuất.
Tuy vậy, về lâu dài, vị chuyên gia nhấn mạnh, cần phải quản lý dòng tiền đi và đến của mỗi cá nhân chặt chẽ. Ở một số nước, khi mà thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến, cơ quan quản lý thuế có thể quản lý dòng tiền đến và đi của từng tài khoản cụ thể, gắn với chủ doanh nghiệp hoặc cá nhân bán hàng. Tuy vậy, ở Việt Nam vẫn khá phổ biến phương thức COD, nghĩa là thu hộ tiền mặt khi nhận hàng, thì việc áp dụng phương pháp này chưa khả thi.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Diễn Đàn Doanh Nghiệp)