Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 trở đi là một trong những nội dung tại tờ trình gửi Chính phủ của UBND TP.HCM về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố, thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Thêm sắc thuế mới, giá bất động sản sẽ càng tăng…
Theo các chuyên gia trong ngành, không phải đến bây giờ, mà câu chuyện đánh thuế căn nhà từ thứ hai trở đi đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, làm thế nào để chính sách thuế đi vào thực tế, hài hòa được lợi ích, tạo được sự công bằng, minh bạch là vô cùng quan trọng. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng theo một lộ trình đủ dài để tránh những “tác dụng phụ”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chưa nói đến chuyện nên hay không nên, nhưng rõ ràng đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 được đưa ra trong thời điểm niềm tin thị trường sụt giảm như hiện nay là quá “nhạy cảm”, không hợp lý. Cần phải xác định rằng, bất động sản ở một siêu đô thị như TP.HCM phần lớn đều có giá trị khai thác sử dụng như là một dạng hàng hóa, mà đã là hàng hóa thì không thể tách rời với hoạt động kinh doanh, mua bán.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giá nhà đất liên tục tăng thời gian qua là sự thiếu hụt nguồn cung, mà nguồn cung tại TP.HCM đang ở mức gần như thấp nhất. Thời gian qua, nhiều dự án trên địa bàn Thành phố “đứng hình” do vướng mắc pháp lý, quỹ đất phát triển dự án ngày càng thu hẹp, thời gian triển khai dự án kéo dài, chi phí đầu tư đội lên cao… khiến dòng vốn đầu tư có xu hướng chuyển dịch về các địa phương khác có tiềm năng hơn. Do vậy, giải pháp đồng thời là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp suốt thời gian qua là nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý để sớm hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, qua đó tăng nguồn cung nhà ở hơn là đưa ra các chính sách thuế mới, tăng gánh nặng cho doanh nghiệp và thị trường.
Một trong những mục đích của đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2 là hạn chế hoạt động đầu cơ. Tuy nhiên, theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, điều này cần phải xem xét lại, vì đầu cơ chỉ xảy ra với những sản phẩm có số lượng ít, không mang tính đại diện thị trường, giá cả không khó xác định. Trong khi đó, tại TP.HCM, đa số sản phẩm bất động sản đều được xem là một loại hàng hóa và thường là để đầu tư chứ không phải đầu cơ. Mặt khác, khoản thuế này nếu có phải là thuế tài sản thì đúng hơn, nghĩa là mức thuế thu hàng năm khoảng 0,2-0,3%/giá trị tài sản và phải áp dụng trên cả nước, chứ không chỉ riêng TP.HCM. Do đó, nếu đề xuất này được thông qua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư.
“Thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2 trở đi tại TP.HCM giai đoạn này không những khó đạt được mục tiêu ngăn chặn đầu cơ mà còn có thể gây tác dụng ngược, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản lớn nhất cả nước”, ông Quang nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, nếu muốn hạn chế đầu cơ thì phải xác định được mức thuế bao nhiêu là hợp lý và chính sách thuế này phải được áp dụng trên toàn quốc, chứ không thể chỉ triển khai ở một địa phương. Chưa kể, hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định đánh thuế sẽ giảm đầu cơ và tỷ lệ giảm là bao nhiêu.
Cùng góc nhìn, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D), DKRA Vietnam cho rằng, sẽ là hợp lý nếu việc thu thuế bất động sản thứ 2 trở đi mang lại giá trị thực sự, nhưng cần lưu ý rằng, phải có lộ trình áp dụng cụ thể, tối thiểu là từ 3-5 năm đối với các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Còn ở thời điểm hiện tại, thị trường địa ốc TP.HCM vốn đã trầm lắng, nếu đánh thêm thuế bất động sản thứ 2 sẽ đẩy thị trường vào “cơn ngủ đông” thực sự.
Ngoài ra, vào năm 2021, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng từng có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất áp thuế tài sản nhằm nắn lại thị trường bất động sản.
Cụ thể, HoREA đề xuất xem xét áp dụng mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng sau 3 năm tạo lập hoặc chứng minh được nhu cầu chính đáng thì áp mức thuế bình thường.
Với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao đến rất cao nhằm loại bỏ đầu cơ, thao túng giá.
Trả lời HoREA, Bộ Tài chính đã khẳng định đang nghiên cứu để thúc đẩy. Còn giới chuyên gia cũng đồng tình cho rằng đã đến lúc Chính phủ và các địa phương cần áp dụng những công cụ mạnh để triệt tiêu động lực của giới đầu cơ đang gây méo mó thị trường bất động sản.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, VNF)