Trong hai ngày 8 và 9/12, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Hải Phát (HPX) tiếp tục bị bán giải chấp 4,15 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu về 22,88% vốn điều lệ.
Nếu tính từ ngày 28/11 đến ngày 9/12, gia đình ông Đỗ Quý Hải bị bán giải chấp khoảng 66.207.028 cổ phiếu HPX, tương đương 21,8% vốn điều lệ tại Đầu tư Hải Phát.
Trước đó, ngày 30/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra toàn bộ 36.213.187 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 11,91% vốn điều lệ về 0% vốn điều lệ. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited bán toàn bộ 26.545.716 cổ phiếu; Amersham Industries Limited bán toàn bộ 7.883.486 cổ phiếu; và Wareham Group Limited bán toàn bộ 1.783.985 cổ phiếu.
Sau giao dịch thoái toàn bộ, nhóm Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Hải Phát. Nếu tính cả cổ đông lớn và gia đình ông Đỗ Quý Hải, nhóm này đã bán ra 102,42 triệu cổ phiếu HPX, tương đương khoảng 33,7% vốn điều lệ.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lệ Dung, mẹ ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT đăng ký bán toàn bộ 1.216.677 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 0,4% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 8/12/2022 đến 6/1/2023.
Tính tới 30/9/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.
Theo thuyết minh của Báo cáo tài chính quý III/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ 2.650,04 tỷ đồng dài hạn liên quan tới 8 lô trái phiếu. Cụ thể, lô trị giá 449,82 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Navibank; lô 349,79 tỷ đồng được tư vấn bởi Navibank; lô 300 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 255,47 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán MB; lô 496,45 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 298,73 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam; lô 249,78 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Dầu khí; và lô 250 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Bảo Việt.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/12, cổ phiếu HPX tiếp tục giảm sàn 520 đồng về 6.950 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ ngày 26/11/2021 tới nay, cổ phiếu HPX đã giảm 82,6% từ 40.000 đồng/cổ phiếu.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà lao dốc của hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản. Và cổ phiếu HPX không là ngoại lệ khi cũng rơi vào tình cảnh “thảm hại” hay như những “cổ đất” khác. Tuy nhiên, trong vòng nửa tháng trở lại đây, nhiều mã đã được “giải cứu” với nhiều phiên tăng trần liên tiếp, song cổ phiếu HPX chỉ có 2 phiên đóng cửa trong sắc tím.
Cũng chính vì cổ phiếu giảm quá sâu, Chủ tịch HĐQT Hải Phát Đỗ Quý Hải cùng những người liên quan liên tục bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Thống kê từ phiên 28/11 tới hết phiên 5/12, ông Đỗ Quý Hải cùng người thân đã bị công ty chứng khoán “ép bán” tới gần 19% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty.
Hiện, ông Đỗ Quý Hải còn nắm giữ 23,97% vốn điều lệ công ty, tỷ lệ này trong tài khoản của vợ ông là bà Chu Thị Lương cũng chỉ còn 2,26%. Đáng chú ý, ông Đỗ Quý Thành – em trai ông Hải và cũng là Phó Tổng giám đốc của Hải Phát Invest đã mua thêm 1,16 triệu cổ phiếu, nhưng ngay lập tức cũng bị công ty chứng khoán giải chấp hết 2,3 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, giảm số lượng về 0 cổ phiếu trong phiên ngày 2/12 vừa qua.
Nhìn chung, đà “lao dốc” mạnh của nhóm cổ phiếu bất động sản đã khiến nhiều lãnh đạo tập đoàn đồng loạt bị giải chấp cổ phiếu. Dù vậy, trong khi các đơn vị khác thế chấp tài sản để ngăn đà giải chấp thì Hải Phát Invest lại liên tục chứng kiến vốn của ông Đỗ Quý Hải “bốc hơi”.
Đáng chú ý hơn, thanh khoản tại Hải Phát Invest đang bộc lộ nhiều vấn đề khi mà 9 tháng đầu năm 2022, công ty mới đạt 48,4% kế hoạch doanh thu và 27,3% kế hoạch lợi nhuận và hơn thế, nhiều khoản nợ vay trái phiếu đã đáo hạn, nhưng công ty không thể tất toán mà phải đàm phán gia hạn. Thậm chí, công ty còn phải đi vay ngân hàng để trả lương cho nhân viên.
Cụ thể, trong quý III/2022, Hải Phát Invest ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh. Theo đó, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 466 tỷ đồng, tương đương 179% so với cùng kỳ lên 726 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế đạt 92,9 tỷ đồng, tăng 57 tỷ đồng, tương đương 159%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu tăng nhẹ từ 1.004 tỷ đồng lên 1.308 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại giảm từ 191 tỷ đồng xuống 123 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận vẫn phát sinh đều nhưng Hải Phát Invest lại tiếp tục chứng kiến chuỗi ngày âm dòng tiền. Tại ngày 30/9/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 146,4 tỷ đồng. Tình trạng này cũng diễn ra trong năm 2021 và 2020 với các con số lần lượt âm 2.980 tỷ đồng và âm 734,9 tỷ đồng.
Điều này cho thấy những rủi ro lớn đến khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn trong kỳ. Việc thiếu tiền cũng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thực tế, trong kỳ, hoạt động của Hải Phát Invest được tài trợ nhiều bởi dòng vốn vay. Trong khi vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm từ 2.345 tỷ đồng xuống 1.519 tỷ đồng thì vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 2.347 tỷ đồng lên 3.236 tỷ đồng.
Đáng chú ý là những khoản vay doanh nghiệp và các cá nhân trị giá 181 tỷ đồng. Trong đó, vay CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex 140 tỷ đồng, phần còn lại là vay các cá nhân.
Đành rằng vay để phục vụ sản xuất kinh doanh là việc bình thường, nhưng nếu vay để trả lương thưởng cho nhân viên lại là vấn đề khác, bởi nó cho thấy việc kinh doanh của công ty đang gặp phải khó khăn vô cùng lớn.
Cụ thể, ngày 8/3/2022, Hải Phát Invest phát sinh khoản vay có thời hạn không quá 6 tháng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh Đô Thành cho mục đích thanh toán lương, thưởng. Đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải thanh toán khoản này trong đầu tháng 9, nhưng cho đến ngày 30/9, khoản nợ này vẫn được ghi nhận.
Được biết, hạn mức cấp tín dụng là 20 tỷ đồng; lãi suất cho vay tại thời điểm giải ngân là 6,5%/năm.
Mặt khác, báo cáo tài chính còn cho thấy, tại Hải Phát Invest, nhiều khoản nợ trái chủ đã không được thanh toán đúng hạn và phải áp dụng giải pháp gia hạn.
Có thể thấy, trong bối cảnh ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn do sự thắt chặt các khoản vay ngân hàng và lãi suất tăng cao, các khoản nợ vay đang và sẽ tiếp tục là gánh nặng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Nếu không sớm tìm được nguồn tiền chủ động với chi phí thấp thì những kế hoạch tương lai của Hải Phát Invest e rằng sẽ chỉ “nằm trên giấy”.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, VNB)