Trong trường hợp nhà đầu tư muốn thử dò đáy hoặc đầu tư giá trị tích sản, DSC khuyến nghị nên lựa chọn những cổ phiếu có tỷ lệ nợ thấp, tổng nợ trên tài sản dưới 0,5 lần (để giảm thiểu áp lực trả nợ trong bối cảnh lãi suất tăng). Sau những đợt giảm sâu, thị trường đã hấp dẫn?
Vấn đề của thị trường liên quan chủ yếu đến thanh khoản và yếu tố niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển thị trường tài chính an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đi đôi với việc xử lý những doanh nghiệp bất động sản cũng như các doanh nghiệp, tổ chức tài chính “sân sau” vi phạm quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chúng ta nên tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Các ngân hàng trong một nền kinh tế thắt chặt tiền tệ nên hy sinh lợi nhuận vì mục tiêu chung của quốc gia để nới hạn mức (room) tín dụng cũng như hạn chế tăng lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp có thể giải quyết được vấn đề thanh khoản cũng như các khoản nợ vay ngắn hạn.
Sau những đợt điều chỉnh mạnh từ đầu năm, cả 2 chỉ số định giá P/E và P/B đều giảm về mức khá thấp. Cụ thể, tính tới ngày 10/11/2022, P/E của VN-Index đạt khoảng 10 lần (PE trung vị 10 năm đạt 15,5 lần), trong khi P/B đạt 1,5 lần (P/B trung vị 10 năm 1,7 lần). Mức định giá này thoạt nhìn có vẻ hấp dẫn, nhưng đuổi theo định giá rẻ có thể là một cái bẫy “đắt tiền” cho nhà đầu tư vì hai rủi ro sau:
Thứ nhất, thị trường dù đã được định giá ở mức hấp dẫn, nhưng chuyển động của thị trường thời gian qua cho thấy vẫn có thể rẻ hơn. Nhìn lại giai đoạn đáy năm 2011, nhà đầu tư bi quan cùng cực, định giá P/E của VN-Index rơi về mức 8 lần. Nếu trở về mức định giá tương tự như năm 2011, chỉ số này sẽ phải giảm thêm 20% – một mức giảm đáng kể.
Thứ hai, kết quả kinh doanh giảm sút có thể biến rẻ thành đắt. Cụ thể, mức P/E thấp của VN-Index đạt được là nhờ doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022, được hậu thuẫn bởi nền kinh tế khởi sắc sau dịch. Tuy nhiên, sang năm 2023, khi bối cảnh vĩ mô không còn tích cực, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp suy giảm có thể sẽ khiến mức P/E thấp nhảy vọt lên cao. Cụ thể hơn, nếu nhà đầu tư dự phóng lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp giảm 33% trong năm 2023, P/E dự phóng năm 2023 sẽ lập tức trở lại mức 15 lần, tương đương mức trung vị 10 năm trở lại và khi đó không còn “định giá rẻ” nữa.
Trong trường hợp nhà đầu tư muốn thử dò đáy hoặc đầu tư giá trị tích sản, DSC khuyến nghị nên lựa chọn những cổ phiếu có tỷ lệ nợ thấp, tổng nợ trên tài sản dưới 0,5 lần (để giảm thiểu áp lực trả nợ trong bối cảnh lãi suất tăng) cũng như dòng tiền sản xuất – kinh doanh tốt, dòng tiền sản xuất – kinh doanh/doanh thu đạt tỷ lệ trên 10% (để đảm bảo hoạt động hiệu quả trong môi trường vay vốn khó khăn). Chúng tôi đánh giá những yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp có sức chống chịu tốt hơn trong giai đoạn khó khăn của chu kỳ kinh tế.
Do thị trường đang rung lắc mạnh, có nhiều khả năng tiếp tục điều chỉnh giảm, nhà đầu tư cân nhắc giải ngân ở tỷ trọng rất nhỏ (5 – 10%), tránh đưa ra những quyết định vội vàng mang tính chất đầu cơ, bắt đáy.
Về bối cảnh vĩ mô, trong cuộc họp mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản, qua đó nâng mức lãi suất tính tới ngày 2/11/2022 lên 3,75%/năm. Cùng với đó, Chủ tịch Fed cũng nhấn mạnh, cơ quan này sẽ giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Dưới áp lực phải bảo vệ tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tăng lãi suất tiền đồng thêm 2%/năm chỉ trong 2 tháng qua. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, tài sản rủi ro sẽ chịu áp lực lớn do: (1) Chi phí chiết khấu (discount rate) tăng mạnh làm giảm giá trị hiện tại của các loại tài sản; (2) giá trị USD tăng cao và hút dòng tiền đầu tư; (3) các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn và chịu áp lực trả nợ lớn, từ đó ảnh hưởng tới khả năng hoạt động.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Báo Đầu Tư)