Có thể thấy, trong 2 năm vừa qua, thị trường bất động sản bất chấp dịch bệnh vẫn tăng nóng, nhà đầu tư địa ốc hầu như “đánh đâu thắng đó”. Khi dòng tiền lớn đổ vào bất động sản, giá tăng, nhà đầu tư kiếm được tiền cũng là điều dễ hiểu.
Hiện nay, dòng tiền dễ dãi không còn, giá bất động sản không còn tăng như trước, thị trường trầm lắng, thanh khoản thấp. Do đó, việc đầu tư cũng trở nên khó khăn hơn nhiều.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) – cho biết, nhìn chung quý III vừa qua giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, một số dự án phải sử dụng đến chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại… Hiện tượng “sốt đất”, “bong bóng” gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là với sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như đã bị triệt tiêu.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản không còn ở giai đoạn lướt sóng dễ dàng như 2 năm trước – thời kỳ mà chỉ cần đặt cọc, có suất mua là đã có lời. Câu chuyện đầu tư bây giờ đã khác, nhà đầu tư lướt sóng cần thận trọng, nhà đầu tư trung và dài hạn cần giảm thiểu việc phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính.
TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, thị trường bất động sản nói chung hiện nay không dành cho nhóm nhà đầu tư lướt sóng, bởi lẽ các sản phẩm không có nhiều và rất rủi ro khi sắp tới có thể sẽ có những thay đổi về lãi suất, cũng như chiến lược của các doanh nghiệp.
“Giai đoạn này là cơ hội cho những người có nhu cầu thật về nhà ở và là cơ hội cho những người muốn chuyển tiền từ ngân hàng hoặc những kênh đầu tư khác mà không phải là thế mạnh của họ”, ông Khương nhận định.
Còn theo đánh giá của giới đầu tư chuyên nghiệp, thị trường bất động sản hiện nay không còn nhiều vùng “hoang sơ” để nhà đầu tư xuống tiền, ung dung chờ 2-3 năm để kiếm lời 2-3 lần như giai đoạn trước đây. Bởi hiện tại, giá đất ở từ nông thôn tới thành thị đã tăng cao, vượt xa nhu cầu thực của người dân.
Thị trường bất động sản khát vốn sau động thái kiểm soát tín dụng, quản lý chặt chẽ hoạt động huy động trái phiếu. Theo đó, thanh khoản trên thị trường liên tục giảm sút, kéo theo giá bất động sản giảm, đặc biệt là các phân khúc chưa đưa vào phục vụ nhu cầu thực ngay như đất nền…
Trên thị trường đất nền hiện tại, không ít nhà đầu tư đất nền chấp nhận giảm giá 20-30% nhưng vẫn khó tìm được người mua. Áp lực về dòng tiền cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận đi vay với mức lãi cao để cố gồng gánh, hy vọng sẽ sớm bán được hàng.
Do thanh khoản đất nền sụt giảm cục bộ, thị trường đang xuất hiện tình trạng chủ đất muốn bán được phải ra sức chiều khách, chấp nhận bị ép giá xuống thấp hơn nhiều giá bán. Đất nền tại nhiều địa phương đang có xu hướng giảm nhiệt, thậm chí chủ đất cắt lỗ những vẫn khó bán. Trước sức ép tài chính, để bán được hàng, không ít người đã ra sức chiều khách.
Tổng Hợp