Hiện các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ đầu quý III/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu cũng rất khó khăn.
Trái phiếu doanh nghiệp được coi là một công cụ huy động vốn đắc lực của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, cần được khuyến khích với các điều kiện rõ ràng, minh bạch để các nhà đầu tư cá nhân an tâm; không vì một số tiêu cực liên quan đến huy động vốn trên thị trường trái phiếu mà ban hành những quy định theo hướng chú trọng quá mức đề phòng rủi ro, không quan tâm đến nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Ủy ban Chứng khoán cam kết với doanh nghiệp tiến hành rà soát phát hành trái phiếu ra công chúng để giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính và thời gian phát hành cho doanh nghiệp. Cũng cần quan tâm công tác xếp hạng tín nhiệm trái phiếu như một bộ lọc cho các nhà đầu tư tham gia thị trường, để trái chủ phân loại được trái phiếu đang nắm giữ là tốt hay không, trả nợ đúng hạn không (!). Từ khóa được nhắc đi nhắc lại nhiều lần liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp chính là niềm tin.
Triển vọng về kinh tế Việt Nam năm 2023 dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng vẫn được doanh nghiệp, người dân và các định chế tài chính quốc tế đánh giá rất tích cực. Chính phủ dự báo tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%, nhưng một số tổ chức nước ngoài dự báo GDP tăng trên 7% đến 8%, phát triển theo hướng kinh tế xanh, bền vững hơn.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khá ổn định, nếu sớm giải cứu cơn khát vốn của doanh nghiệp thì kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận những đột phá mới.
Tình trạng khát vốn của hàng vạn doanh nghiệp bao gồm SMEs, tập đoàn kinh tế cần có giải pháp tình thế, đủ mạnh từ doanh nghiệp, ngân hàng và nhà nước để nhanh chóng khắc phục trong tháng cuối năm và quý I năm sau, nếu không sẽ khó bảo đảm điều kiện thực hiện định hướng và mục tiêu kinh tế xã hội năm 2023 đã được Quốc hội quyết định tại kỳ họp vừa qua.
Doanh nghiệp cần tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình tài chính hiện có, đổi mới hệ thống quản trị nội bộ, công tác tiếp thị, điều chỉnh kế hoạch mở rộng dự án và phương thức đầu tư phù hợp với năng lực vốn, công nghệ và con người; quản lý chặt chẽ thu chi, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần theo dõi tình trạng luân chuyển dòng tiền, thiếu vốn lưu động, nhanh chóng giải phóng nguồn thu nhập từ bán hàng, giảm chi phí thanh toán, tận dụng nguồn vốn dư thừa mà vẫn đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tiền, ưu tiên dùng nguồn tiền thu được để trả nợ trước, tạm thời dừng dự án đầu tư lâu dài; thanh toán đúng hạn cho nhà cung ứng, tận dụng uy tín của đối tác để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Ngân hàng tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình, dự án cho vay ưu đãi với lãi suất thấp; mở rộng đối tượng SMEs vay thông qua tín chấp, trên cơ sở tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả và lợi nhuận; chủ động tiếp cận với doanh nghiệp, đánh giá các khoản nợ, bàn bạc gia hạn nợ, đáo nợ, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Trong vài tháng gần đây, mặc dù phải tăng lãi suất tiền gửi nhưng nhiều ngân hàng đã cố gắng giữ lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi huy động để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy lợi nhuận giảm, đồng thời là tiêu chí quan trọng để Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng nhiều hơn trong năm sau.
Ngân hàng Nhà nước cần nới room tín dụng doanh nghiệp để các ngân hàng thương mại có điều kiện chủ động cho vay mới, đảo nợ, giản nợ, tín dụng ưu đãi lãi suất thấp; tiếp tục cung ứng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở và nghiệp vụ tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, nhằm tạo điều kiện tối đa để SMEs được ưu tiên vốn vay.
Điểm nghẽn lớn nhất đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp; quý IV/2022 gần như không doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới, do các doanh nghiệp đang bị ách tắc về việc huy động vốn trên thị trường. Trong khi lượng trái phiếu sắp đáo hạn cũng tạo áp lực cho doanh nghiệp, bởi họ chưa có khả năng tìm được nguồn vốn bù đắp hoặc cơ cấu lại các khoản nợ, nên không thể tiếp tục dựa vào kênh này để thực hiện dự án đầu tư đã được ký kết hợp đồng.
Thị trường chứng khoán sụt giảm làm trầm trọng thêm khó khăn về vốn của doanh nghiệp; một số tập đoàn kinh tế buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn. Đã xuất hiện làn sóng bán nhà máy và cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài; điển hình như doanh nghiệp Thái Lan đang tiến hành nhiều thương vụ đàm phán mua các nhà máy dệt may và các ngành khác.
Doanh nghiệp tư nhân nhất là SMEs gặp nhiều khó khăn về vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động do dòng tiền của đã cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh.
Doanh nghiệp ngành thép đối diện với “khủng hoảng” cung vượt cầu do đơn hàng xuất khẩu và trong nước giảm mạnh; một số doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40%.
Doanh nghiệp nông nghiệp thiếu vốn thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản lại tập trung vào các tháng cuối năm và đầu năm 2023.
Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng.
Tổng Hợp