Nhiều cuộc thăm dò đã chỉ ra xu hướng M&A tại Việt Nam sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Đáng chú ý, khi nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án thì phương án tìm đối tác sáp nhập hoặc chuyển nhượng dự án được xem là lối ra.
M&A được xem là con đường ngắn nhất để các dự án bất động sản đang thiếu vốn triển khai đúng tiến độ.
Đây vừa là cơ hội, vừa là giải pháp khả dĩ để khối ngoại tối ưu giá trị đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, các phương thức M&A gần đây có nhiều thay đổi, các thương vụ thâu tóm, mua đứt bán đoạn dần ít đi, mà thay vào đó là liên doanh, liên kết.
Chẳng hạn, vào tháng 8/2022, Tập đoàn Danh Khôi đã có thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Tokyu Corporation tại dự án nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Tokyu góp 49%, tương ứng 490 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 6/2022, thương vụ M&A của Công ty cổ phần Công nghiệp Logistics KTG & Bousteak và Bousteak Projects (Singapore) ghi nhận con số thoả thuận lên tới 6,9 triệu USD. Tương tự, Warburg Pincus (Mỹ) rót 250 triệu USD vào Khu nghỉ dưỡng Tropicana của Novaland…
Từ góc nhìn đầu tư, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, hoạt động M&A sẽ đóng vai trò then chốt để “giải cứu” các nhà phát triển bất động sản trong nước, cũng như phù hợp với tâm lý đầu tư của các nhà giao dịch tin tưởng vào tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam.
Đối với nhà giao dịch là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, hoặc các nhà phát triển lớn, M&A là chiến lược tăng trưởng nhanh, hiệu quả để tối ưu hóa danh mục đầu tư, tăng cường năng lực tài chính.
M&A đang được kỳ vọng là chiếc chìa khóa để giải bài toán cùng thắng (win-win) cho thị trường bất động sản, đồng thời trở thành động lực giúp thị trường thoát khỏi tình trạng trầm lắng, dần trở nên sôi động hơn trong thời gian tới.
Khẳng định của bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, khi nói đến những cơ hội trong hoạt động M&A mảng bất động sản hiện nay. Theo bà Trang Bùi, thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn còn non trẻ, có nhiều điểm cần điều chỉnh. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường.
Vị CEO Cushman & Wakefield cho biết, trong danh sách các thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thị trường Việt Nam có những yếu tố nền tảng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Khi được hỏi có muốn đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam hay không, thì câu trả lời của các nhà đầu tư ngoại là “yes” (có).
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho hay, kinh tế Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang có các tín hiệu tích cực, giúp thu hút sự quan tâm của dòng vốn ngoại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước.
Chỉ trong 6 tháng qua, Savills Việt Nam đã đón tiếp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia cấp cao tại các thị trường lớn trên thế giới và hơn 50 đại diện của dịch vụ tư vấn khách thuê bất động sản thương mại xuyên biên giới ở Mỹ, Anh, Trung Đông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đông Nam Á…, tất cả đều bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, logistics, văn phòng và nhà ở.
“Việc Việt Nam liên tục được chọn là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động”, ông Neil MacGregor nói.
Tổng Hợp