Báo cáo của FiinRatings mới công bố cho thấy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm giảm mạnh, chỉ đạt hơn 246,3 nghìn tỷ đồng, giảm sâu khoảng 64% so với cuối năm 2021. Các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, làm gì để khơi thông?
Như một bình lưu thông, hàng loạt nhân tố cộng hưởng tiếp tục gây sức ép khiến thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán ngày càng lao đao.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì họp với 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp diễn ra tuần qua, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng nút thắt lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là dòng vốn, thanh khoản ách tắc.
Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp về khôi phục lại niềm tin của thị trường, tháo gỡ khó khăn thanh khoản và hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và làm việc với bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền để chi đạo triển khai.
Ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc của VnDirect, thừa nhận rằng thực tế hiện nay, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết “room” tín dụng ngay từ giữa quý 2, đầu quý 3. Các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu gần đây rất khó khăn. Trong khi đó, kênh trái phiếu trong quý 4 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.
“Trong ngắn hạn, điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông, từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay sẽ đến từ tín dụng ngân hàng nhưng lại không thể cho vay mới bởi các ngân hàng đã cạn room”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều biến động. Thị trường xuất hiện nhiều thông tin không chính thống về các doanh nghiệp phát hành mà không xuất phát từ chính doanh nghiệp.
“Bộ Công an thời gian qua đã xử lý các trường hợp vi phạm trong việc thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường”, Bộ Tài chính cho hay.
Do đó, về phía doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp chủ động, kịp thời cung cấp thông tin để nhà đầu tư có thông tin chính thống về hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, “xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp và công bố kết quả cho các nhà đầu tư để hiểu tình hình của doanh nghiệp”, Bộ Tài chính khuyến nghị.
Trong khi hoạt động phát hành tụt dốc thì làn sóng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022 tăng 42% so với cùng kỳ 2021, đạt 143,44 nghìn tỷ đồng, tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn.
Thực hiện rà soát năng lực tài chính của nhóm top 20 tổ chức phát hành là doanh nghiệp niêm yết có giá trị phát hành lớn nhất, FiinRatings cho biết kết quả cho thấy các doanh nghiệp này đều đang chịu áp lực thanh khoản lớn trong ngắn hạn 12 tháng tới, do dòng tiền yếu và áp lực nợ trái phiếu và nợ tín dụng lớn hơn dòng tiền tạo ra trong khi các kênh huy động vốn đang gặp nhiều khó khăn. Rủi ro này cũng lớn hơn khi được đặt trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhiều ngành đang có triển vọng kém tích cực trong năm 2023.
FiinRatings đánh giá sự suy giảm mạnh của hoạt động phát hành không chỉ đến từ các quy định mới của Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành ngày 16/9/2022 mà còn đến từ các sự kiện vi phạm nợ và rủi ro pháp lý đối với nhà phát hành.
Tổng Hợp