Kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư FDI trong 11 tháng qua với gần 4,19 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 2,41 tỷ USD.
Thị trường bất động sản rơi vào chu kỳ suy thoái và vốn FDI đầu tư vào bất động sản cũng đóng băng. Dòng vốn này bắt đầu hồi phục trở lại từ cuối năm 2013, đầu năm 2014. Kể từ đó, người mua đã được tiếp cận mức tín dụng hợp lý hơn, tỷ lệ lạm phát thấp và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại khu vực ASEAN.
Trong bối cảnh các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp địa ốc đang gặp khó, giới chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư cần linh hoạt và chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế và FDI là một giải pháp phù hợp. Bởi thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Thống kê mới đây của Cushman & Wakefield cho thấy, khối lượng giao dịch các thương vụ M&A bất động sản đã chính thức công bố rộng rãi trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 1,5 tỷ USD. Đây là mức giá trị giao dịch cao nhất trong 5 năm vừa qua, chủ yếu tâp trung vào phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, và Đồng Nai.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/11, tổng vốn đầu tư trực tiếp ước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 25,1 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, phần lớn các giao dịch đã chốt đến từ những nhà đầu tư đã rất am hiểu về biến động rủi ro và nhu cầu thị trường với mục đích tìm kiếm tỷ lệ sinh lời tốt hoặc mở rộng danh mục đầu tư trong khu vực. Các thương vụ đã được đàm phán trong thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19 và đạt được thỏa thuận trong năm 2022, thúc đẩy số lượng các thương vụ 9 tháng qua gia tăng.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động bất động sản đã bị chậm lại từ tháng 10 do ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực của những đại án liên quan đến các công ty bất động sản và chứng khoán, khi cả tín dụng ngân hàng lẫn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều được kiểm soát chặt chẽ.
Chuyên gia cho rằng, điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và những doanh nghiệp mới tham gia thị trường có một chiến lược bảo thủ hơn. Một số nhà đầu tư ban đầu đã nhấn nút “tạm ngừng” để tái cấu trúc chiến lược đầu tư nhằm thích ứng với tình hình mới. Mặc dù các nhà đầu tư này vẫn có nguồn vốn tốt, các khoản đầu tư lớn mới sẽ bị tạm dừng trong thời gian này, ngoại trừ các giao dịch đang triển khai.
Bà Trang Bùi phân tích, bất động sản thường trải qua qua 4 giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ mới. Các giai đoạn này gồm: phục hồi, tăng trưởng, sốt nóng và suy thoái. Dường như Việt Nam những năm qua đã có sự tăng trưởng sốt nóng và đang có dấu hiệu chậm lại, song cũng có thể nói rằng thị trường bất động sản đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.
Nhìn lại giai đoạn tương tự trong chu kỳ trước, CEO Cushman & Wakefield cho biết, vào khoảng tháng 3/2008, trước áp lực tăng trưởng quá nóng của thị trường trong năm 2007 cùng sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tài chính toàn cầu, các công cụ tài chính tiền tệ dường như không thể kiểm soát nổi khi sự gia tăng liên tục không ngừng của lãi suất cho vay, có lúc lên đến 25% và lạm phát đỉnh điểm ở mức 23%.
Tổng Hợp