Trong bối cảnh hiện nay, chỉ các doanh nghiệp nỗ lực thôi là chưa đủ, bởi khó khăn về nguồn vốn chỉ là “cú đấm bồi” khiến doanh nghiệp “sụp hố”, khi mà thời gian dài trước đó phải ra sức xoay xở với việc thủ tục pháp lý dự án bị ách tắc.
Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp, dự án có pháp lý đầy đủ, thanh khoản tốt, phục vụ nhu cầu ở thực cũng đang bị “vạ lây” do bối cảnh chung. Do đó, việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được các thành viên thị trường kỳ vọng sẽ “bắt” đúng bệnh, đúng người, chứ không phải giải cứu đại trà.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc khơi thông dòng vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp là biện pháp thực sự cần thiết để cứu thanh khoản thị trường, giúp doanh nghiệp “hà hơi, thổi ngạt”. Tuy nhiên, đây chỉ là sự hỗ trợ trước mắt, còn về giải pháp hỗ trợ căn cơ, mang tính bền vững, giúp doanh nghiệp duy trì nguồn lực, sớm vực dậy trong bối cảnh khó khăn hiện nay vẫn là câu chuyện khơi thông thủ tục pháp lý dự án.
TP.HCM hiện có khoảng 143 dự án đang gặp vướng mắc pháp lý nên chưa thực hiện được, hoặc chỉ thực hiện được một phần. Ngoài ra, từ năm 2017, Thành phố còn có khoảng 64 dự án bất động sản có nguồn gốc đất công thuộc các trường hợp do sắp xếp lại, xử lý tài sản công, hoặc do di dời nhà xưởng ô nhiễm, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật thuộc diện phải rà soát lại về pháp lý nên bị dừng triển khai thực hiện, dừng thi công…, nên các chủ đầu tư và người mua nhà tại những dự án này rất khó khăn, bức xúc.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Trong số dự án đang chờ khai thông pháp lý, HoREA cho rằng, có 3 nhóm cần được đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Nhóm thứ nhất là các dự án nhà ở xã hội, được xếp ở mức cần giải quyết hồ sơ bức thiết nhất. Thực tế, nhiều năm qua, hầu hết doanh nghiệp phải tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhưng vẫn bị vướng pháp lý dẫn đến tiến độ dự án bị kéo dài, có thể kể tên một loạt chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán và cho thuê đang trong tình cảnh này như Lê Thành, Nam Long, Thiên Phát, Phú Cường, Vạn Thái, Saigonres…
Nhóm thứ hai là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không bị rà soát pháp lý. Đây là nhóm dự án không vướng quy định kiểm tra, thanh tra, điều tra, Thành phố cần tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, cấp bách nhất là hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
HoREA kiến nghị UBND TP.HCM cùng các sở ngành liên quan giải quyết dứt điểm các thủ tục chấp thuận đầu tư, tính tiền sử dụng đất, phê duyệt quy hoạch 1/500… Trong đó, cần đẩy nhanh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng). Bởi hiện nay, ước tính còn khoảng hơn 20.000 căn hộ chung cư trên địa bàn Thành phố chưa được cấp sổ hồng thuộc nhóm này.
Nhóm thứ ba là các dự án nhà ở đang thuộc diện bị rà soát, thanh – kiểm tra nhưng chưa có kết luận cuối cùng. Nhiều trường hợp các dự án này đều đã được chấp thuận đầu tư, hoặc triển khai thực hiện từ nhiều năm trước, hoặc đã hoàn thành đầu tư xây dựng và người mua nhà đã cư ngụ ổn định, Thành phố cần xử lý theo hướng ưu tiên quyền lợi của người dân.
Trong danh sách này, tổ công tác của Thủ tướng có thể lựa chọn dự án của những chủ đầu tư uy tín để tập trung tháo gỡ, làm tiền đề giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường.
Chiều ngày 24/11/2022, tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với UBND TP.HCM để rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn.
Các doanh nghiệp kỳ vọng, cuộc họp này có thể giải quyết ngay tại chỗ nhiều vướng mắc cho các dự án cụ thể, coi như những “dự án điểm” để tháo gỡ khó khăn cho các dự án tương tự.
Xuất phát điểm là một sàn môi giới nhỏ rồi lớn dần và chuyển sang hợp tác đầu tư phát triển dự án, năm đầu tiên thành lập, một công ty địa ốc với gần 500 nhân sự, có nhiều dự án chung cư, nhà phố trải dài từ Đồng Nai đến Long An, làm ăn khấm khá, tích lũy được nguồn vốn và mở rộng quy mô hoạt động.
Rồi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu vào đầu năm 2020, công ty còn “của để dành” nên đủ sức duy trì với niềm tin sẽ bật dậy mạnh mẽ sau khi dịch bệnh qua đi. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trở lại, cũng là lúc nguồn lực tích lũy trước đó đã cạn kiệt và công ty bắt đầu phải vay mượn để có nguồn vốn duy trì hoạt động.
Những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, thị trường nhộn nhịp trở lại và công ty cũng tranh thủ thời gian này để đẩy mạnh kinh doanh. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, đến đầu tháng 4/2022, tín dụng bất động sản bị chặn lại, lãi suất cho vay tăng cao, đặc biệt là những biến cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến hoạt động này bị siết chặt, dẫn đến việc các doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính khi không huy động thêm được vốn mới để đảo nợ. Việc đột ngột bị “cắt máu” khiến doanh nghiệp lao đao, cộng với thực trạng người mua nhà e dè trong việc ra quyết định khiến khó khăn càng thêm chồng chất.
Tổng Hợp