Nhiều chuyên gia đồng quan điểm, định giá của thị trường chứng khoán đang ở vùng hấp dẫn trong trung và dài hạn. Nhiều nhà đầu tư có tâm lý thận trọng khi tham gia thị trường chứng khoán…
Trong tháng cuối năm 2022, bên cạnh rủi ro từ thị trường trái phiếu, thanh khoản hệ thống ngân hàng căng thẳng, thì yếu tố tỷ giá và lãi suất có thể sẽ chi phối diễn biến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với việc các yếu tố rủi ro được nhận diện, cũng như đã tác động vào diễn biến giá cổ phiếu, nhiều chuyên gia đồng quan điểm, định giá của thị trường ở vùng hấp dẫn trong trung và dài hạn.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), áp lực mất giá của VND trong thời gian còn lại của năm 2022 không còn lớn. Trong kịch bản Fed nâng lãi suất đồng USD thêm 0,5% tại cuộc họp tới, thì Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ không tăng thêm các mức lãi suất điều hành cho đến cuối năm 2022.
Điều kiện thị trường có phần giảm bớt rủi ro khi mà tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng trở lại…, nhưng nhà đầu tư cần lưu ý, thị trường đang chịu sự chi phối bởi 2 yếu tố khó lường là diễn biến thị trường trái phiếu trong nước và kỳ họp chính sách của Fed trong tháng 12/2022.
Với kịch bản sẽ không có sự kiện tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư trong tháng cuối năm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kết hợp với động thái mềm mỏng của Fed trong kỳ họp chính sách, KBSV kỳ vọng, thị trường sẽ có diễn biến khả quan trong tháng 12 khi mà các điều kiện vĩ mô đang dần được cải thiện và định giá thị trường ở mức thấp.
Tương ứng với kịch bản này, KBSV cho rằng, cổ phiếu các nhóm ngành đã giảm giá sâu trong thời gian qua sẽ có sức bật đáng kể trong ngắn hạn và dẫn dắt xu hướng tăng của chỉ số như ngân hàng, chứng khoán, thép.
Lãi suất tăng kích thích động thái rút ròng từ kênh chứng khoán để chuyển hướng qua các kênh đầu tư ít rủi ro hơn. Bên cạnh đó, lãi suất tăng làm đội chi phí lãi vay của các doanh nghiệp, khiến lợi nhuận suy giảm và ảnh hưởng tới định giá mục tiêu của cổ phiếu.
Áp lực tăng lãi suất của Việt Nam trong thời gian vừa qua có một phần không nhỏ đến từ đồng nội tệ chịu sức ép trước diễn biến tăng giá mạnh của đồng USD, khi Fed đẩy nhanh quá trình nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy vậy, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, chỉ số đo lường giá trị của đồng USD (USD Index – DXY) dần hạ nhiệt khi lạm phát của Mỹ có dấu hiệu đạt đỉnh, tín hiệu quan trọng có thể khiến Fed giảm tốc quá trình tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 12 tới. Trong 2 tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần giảm giá bán USD, dù ở mức thấp nhưng cũng cho thấy sự chủ động hơn của cơ quan này đối với việc ổn định giá trị đồng Việt Nam (VND).
Thực tế, các hành động của Fed ở các kỳ họp chính sách luôn có tác động đến diễn biến tỷ giá và lãi suất trong nước. Tại kỳ họp tháng 12/2022, tác động có thể là tiêu cực hoặc tích cực, tuỳ theo mức nâng lãi suất, cũng như bài phát biểu của Chủ tịch Fed sau cuộc họp.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, Fed neo lãi suất ở mức cao sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên lãi suất trong nước năm 2023, bên cạnh đó là lạm phát và tỷ giá. Trước đó, trong tháng 9 và 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần nâng lãi suất điều hành, tổng mức tăng là 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất về sát mức trước dịch Covid-19.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, nếu Fed tăng lãi suất ở mức 0,5% (xác suất kịch bản này theo CME Group hiện là 75%), kết hợp với các thông điệp “ôn hòa” của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau cuộc họp về lộ trình tăng lãi suất trong năm 2023, nhà đầu tư có thể kỳ vọng sức mạnh đồng USD sẽ suy yếu, làm giảm áp lực lên tỷ giá trong nước, cũng như tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách tiền tệ ôn hoà hơn, giúp kéo giảm lãi suất trong nền kinh tế. Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực, nhưng mức độ có thể không quá lớn, do thị trường đang bị chi phối không nhỏ bởi diễn biến trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ngược lại, áp lực tỷ giá, lãi suất trong nước sẽ gia tăng nếu Fed tăng lãi suất ở mức 0,75%, cùng các tín hiệu từ bài phát biểu của ông Jerome Powell về việc cần nâng lãi suất mạnh hơn trong năm 2023 (đưa lãi suất lên trên vùng 5 – 5,25%/năm). Trong kịch bản này, thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng sẽ khó tránh khỏi một nhịp lao dốc trong thời gian còn lại của năm 2022.
Tổng Hợp